Gỡ vướng việc thanh toán dự án BT

Chiều 10-10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về xử lý các bất cập, vướng mắc trong việc sử dụng quỹ đất; cơ sở nhà, đất để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT). Cuộc họp có lãnh đạo các bộ Tài chính, KH&ĐT, Tư pháp, TN&MT,Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP.HCM và Kiểm toán Nhà nước.

Ách tắc tại… luật?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã có hai công văn gửi các địa phương, trong đó có nội dung tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư các dự án BT. Căn cứ mà Bộ Tài chính dựa vào là các khoản 3, 4 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT phải do Chính phủ quy định chi tiết, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định.

Theo Bộ Tài chính, với quy định như vậy thì từ ngày 1-1-2018 (thời điểm Luật Quản lý và sử dụng tài sản công có hiệu lực), các quyết định của Thủ tướng từ năm 2015 quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT; việc quy định thanh toán cho nhà đầu tư BT thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ không được áp dụng nữa.

Ngày 28-3, Bộ Tài chính đã gửi công văn hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT có hiệu lực thi hành”.

Cống ngăn triều Mương Chuối, huyện Nhà Bè là một trong các công trình thuộc dự án chống ngập của TP.HCM được xây dựng theo  hình thức BT. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nguy cơ trả lãi cao

Từ khi có công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, các địa phương như Hà Nội, TP.HCM có nhiều dự án BT đang triển khai đã bắt đầu cảm thấy vướng mắc. Ngày 24-9, tại hội nghị trực tuyến với Bộ KH&ĐT, ông Ngô Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng: Về các dự án BT, Hà Nội thực hiện nghiêm túc theo các quy định trước đó. Việc Bộ Tài chính yêu cầu tạm dừng dùng tài sản công để thanh toán cho các dự án BT cần có quyết định sớm. “Vì nếu chậm thanh toán thì chủ đầu tư sẽ tính lãi theo từng ngày. Như vậy thì hiệu quả sẽ không tốt” - ông Toản nói.

Còn ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cũng cho rằng: Việc Bộ Tài chính hướng dẫn tạm dừng dùng tài sản công để thanh toán cho các dự án BT sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại TP.HCM.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết: Bộ Tài chính đã có Công văn số 11590 ngày 24-9 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong khi chờ có nghị định hướng dẫn, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về vấn đề này. Nguyên tắc là phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Tại cuộc họp chiều 10-10, Bộ Tài chính đã trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Trên cơ sở dự thảo nghị quyết và các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành nghị quyết này trong thời gian sớm nhất.

Rà soát các dự án BT

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương phải rà soát lại việc thực hiện các hợp đồng BT cũng như việc sử dụng quỹ đất; cơ sở nhà, đất để thanh toán cho các nhà đầu tư BT đã triển khai trước ngày 1-1-2018 theo các quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, địa phương tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra để xử lý các sai phạm của các bên liên quan trong thực hiện hợp đồng BT và việc thanh toán đất, tài sản trên đất cho các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm