Vì sao dự án giao thông nhà nước thường kém chất lượng?

Trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng trong thời gian qua các dự án xây dựng giao thông hoàn thành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng. Tuy nhiên, tại một số dự án, công trình xuất hiện một số tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng làm hạn chế khả năng khai thác, sử dụng của công trình.

Có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, vì vậy phải phân kỳ đầu tư dự án thành nhiều giai đoạn nên chưa đáp ứng được các yêu cầu sử dụng, khai thác. Bên cạnh đó, do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn cho việc triển khai thi công đồng loạt và kiểm soát chất lượng.

Đặc biệt, tại nhiều đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu, việc bàn giao mặt bằng không kịp thời nên khó đảm bảo thời gian gia tải chờ lún. Đồng thời, do sự tăng đột biến về lưu lượng xe nên ảnh hưởng tới chất lượng khai thác, sử dụng...

Bên cạnh đó còn nguyên nhân chủ quan như do nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, chủ đầu tư còn có lúc, có nơi chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật của dự án hoặc việc lựa chọn công nghệ, giải pháp thiết kế, thi công ở một số công trình chưa thực sự phù hợp…

Để khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư kiểm tra, đánh giá đúng nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục triệt để và xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia. “Đối với các nguyên nhân do lỗi của nhà thầu thì nhà thầu phải chịu hoàn toàn kinh phí khắc phục…” - Bộ GTVT khẳng định.

Bộ GTVT cũng cho biết luôn xác định công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tiến độ trong đầu tư xây dựng công trình giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm