Vai trò của 2 tuyến metro sắp được triển khai ở TP.HCM

UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc xem xét, lựa chọn đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường sắt đô thị TP.HCM - tuyến metro số 5, giai đoạn 1.

Metro 3A: Huyết mạch trong mạng lưới metro

Trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT, UBND TP.HCM đề xuất lựa chọn phương án đầu tư đối với dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên). Sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cụ thể, tuyến số 3A sẽ nối trực tiếp với tuyến metro số 1, tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, nối kết khu vực đông bắc và tây nam TP.HCM.

Về phương án xây dựng dự án, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng từ Bến Thành đến Bến xe Miền Tây, dài 9,9 km. Đoạn này chủ yếu đi ngầm, dự kiến được đầu tư xây dựng từ năm 2025 đến 2031.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ từ Bến xe Miền Tây đến depot Tân Kiên, dài 9,7 km. Đoạn này sẽ đi trên cao, được đầu tư trong giai đoạn 2028-2034. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 313 tỉ yen (tương đương gần 68.000 tỉ đồng).

Ban quản lý Đường sắt đô thị TP (MAUR) đánh giá tuyến metro 3A là một trong những tuyến huyết mạch trong mạng lưới metro TP nói chung. Tuyến này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị số 3A. Đồ họa: VÕ NGUYÊN

Metro số 5: Vành đai đường sắt đô thị

Theo MAUR, tuyến đường sắt đô thị số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) có tổng chiều dài gần 9 km. Trong đó, 7,4 km đi ngầm, 1,43 km đi trên cao và chuyển tiếp.

Theo tính toán, tuyến số 5 có tám nhà ga với bảy ga ngầm và một ga trên cao, depot mini ngầm khoảng 2 ha sẽ nằm ở Công viên Hoàng Văn Thụ. Địa bàn tuyến metro số 5 đi qua gồm các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh.

Các nhà tài trợ dự án này gồm: Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 38.000 tỉ đồng.

MAUR cho biết tuyến metro số 5 là một phần của tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo hành lang các đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, kết nối nhiều tuyến đường sắt đô thị của TP trong tương lai.

Mạng lưới kết nối metro

MAUR cho biết cùng với tuyến metro số 1 và 2 của TP.HCM đang được triển khai thi công, việc sớm đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, số 3A là rất quan trọng. Các tuyến metro này sẽ giúp kết nối để tạo thành một mạng lưới và dần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng.

MAUR nhận định hệ thống giao thông công cộng này sẽ góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. 

Cụ thể, tuyến số 5 sẽ kết nối với tuyến metro số 1 tại cầu Sài Gòn; tuyến metro số 3B tại ngã tư Hàng Xanh; tuyến metro số 4 tại ngã tư Phú Nhuận; tuyến metro số 4B tại Công viên Hoàng Văn Thụ và tuyến metro số 2 tại ngã tư Bảy Hiền.

MAUR cũng cho biết đơn vị đã trình UBND TP thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Theo kế hoạch, dự kiến UBND TP xem xét hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 6-2020, phấn đấu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2020.

Trước đó, để chuẩn bị tuyển chọn tư vấn thẩm tra, MAUR đã đề nghị Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) xem xét, góp ý về dự thảo hồ sơ nhiệm vụ. Từ đó, dự toán gói thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với giá trị dự kiến khoảng 20-30 tỉ đồng.

Sau đó, UBND TP đã gửi Bộ KH&ĐT về tình hình chuẩn bị đầu tư dự án theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và có cam kết sẽ bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách địa phương chi trả các chi phí thuê tư vấn thẩm tra.

MAUR kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm có ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ nhiệm vụ và dự toán gói thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

MAUR cho biết đối với các tuyến metro còn lại, đơn vị đang tiếp tục thực hiện xúc tiến, kêu gọi đầu tư.

Cần có thời gian thay đổi nhận thức của người dân

Để vận hành một tuyến metro thì cần quản lý tốt và làm quy hoạch tốt. Nếu quy hoạch không có tính kết nối cao thì hiệu quả sẽ bị giảm xuống. Tuy nhiên, đối với các tuyến metro hiện nay, do ngân sách hạn chế nên không thể làm một loạt hết.

Trường hợp muốn làm toàn bộ thì phải quy hoạch ngay từ đầu, song đôi khi chúng ta phải chấp nhận thay đổi từ từ hành vi, thói quen đi lại. Cụ thể, nếu chúng ta đặt ra phải có các tuyến đường kết nối ngay lập tức nhưng nhu cầu chưa có ngay thì cần phải có thời gian để thay đổi nhận thức của người dân.

Kết nối metro và xây dựng các tuyến metro rất khó nên ưu tiên và làm ở đâu thì cần phải nghiên cứu và cần có sự phản biện của các chuyên gia để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Có thể thấy các tuyến metro ở nước ngoài được đầu tư rất lớn, nhắm vào thị trường nào đi lại nhiều và đông đúc người đi lại. Trong khi đó, điều kiện tài chính chúng ta không cho phép thì chúng ta nên đưa ra nhiều phương án để giãn đô thị ra ngoại ô.

Ví dụ, nếu metro kết nối được với Bình Dương và Đồng Nai thì năng lực kết nối sẽ mang lại hiệu quả cao giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Metro sẽ thay đổi chất lượng quản lý, nguồn nhân lực.

Chuyên gia, TS DƯƠNG NHƯ HÙNGĐH Bách khoa TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm