Tuyến tránh Cai Lậy có nhiều đoạn xuống cấp, không an toàn

Sau khi cơ quan chức năng đặt biển cấm xe ba trục và xe khách từ 29 chỗ trở lên đi vào nội ô thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) và buộc các xe này đi vào đường tránh, nhiều người cho rằng tuyến tránh có mặt đường nhỏ hơn đường quốc lộ (QL), hiện trạng trên đường tránh xuống cấp, không đảm bảo giao thông.

Đường tránh nhỏ và kém an toàn

Theo ghi nhận của PV trong ngày 19-2, tại tuyến tránh Cai Lậy, toàn tuyến có nhiều chỗ bị xuống cấp, xuất hiện ổ gà, mặc dù vừa mới được nâng cấp hồi cuối năm 2019. Hơn nữa, trên tuyến tránh có nhiều giao lộ với đường dân sinh, đường cắt ngang vào khu dân cư nhưng nhiều nút giao không có đèn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Cạnh đó, tuyến đường này chỉ có hai làn xe và không có dải phân cách nên các phương tiện khi vượt mặt cũng rất nguy hiểm.

Anh NMT, một tài xế ngụ TP Cần Thơ, chia sẻ anh chở hàng từ miền Tây đi TP.HCM và Bình Dương gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, khi qua Cai Lậy, anh luôn chọn đường QL để lưu thông, mặc dù tuyến này dài hơn và chậm hơn tuyến tránh. “Đường QL có dải phân cách, có đèn tín hiệu tại các giao lộ chạy sẽ an toàn hơn đi tuyến tránh. Đường tránh xấu hơn, nhỏ hơn mà nguy cơ mất an toàn giao thông cũng cao hơn” - anh T. giải thích.

Tuy nhiên, trước đó, trả lời PV, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, khẳng định các xe chạy qua tuyến tránh vẫn ổn, nhanh hơn và không ùn tắc so với lưu thông qua nội ô Cai Lậy.

Nói về việc cắm biển buộc các xe tải từ ba trục và xe khách từ 29 chỗ trở lên đi vào đường tránh, anh NHT, một tài xế, nhận định ngành chức năng cắm chưa phù hợp vị trí. Cụ thể, biển báo hiệu đường tránh đặt trước ngã ba rẽ vào tuyến đường tránh nhưng biển cấm lại đặt sau giao lộ gây khó khăn cho tài xế. “Tấm biển nằm trước ngã rẽ vào đường tránh chỉ là biển thông báo, không có giá trị. Còn biển cấm lại đặt sau ngã ba vào đường tránh. Nhiều tài xế không nắm thông tin nên khi đi qua phải mất công quay lại, không quay lại thì bị phạt. Đúng ra biển cấm phải đặt trước ngã rẽ vào đường tránh để tài xế nhìn thấy mà quẹo chứ đặt biển kiểu này là gài bẫy chúng tôi rồi” - anh T. nói.

Sơ đồ tuyến tránh Cai Lậy. Đồ họa: HỒ TRANG

Sẽ điều chỉnh nếu hợp lý

Lý giải việc cắm biển chưa hợp lý, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết khi tiến hành cắm biển, vị trí của các biển như hiện nay là hoàn toàn hợp lý và theo đúng quy chuẩn. Ông Thành thông tin trước khi tiến hành đặt biển, đơn vị đã phối hợp với địa phương, thống nhất từ vị trí đến các biển báo. “Nếu người dân khó nhìn biển báo thì sẽ bổ sung thêm các biển báo thông tin để người dân biết. Vấn đề này chúng tôi sẽ ghi nhận và bổ sung thêm để đảm bảo cho người điều khiển phương tiện” - ông Thành cam kết.

Riêng về đề xuất cấm xe vào nội ô Cai Lậy theo giờ như ý kiến của tài xế và doanh nghiệp (DN), ông Thành cho hay sau khi cắm biển cấm, Cục và Sở GTVT tỉnh Tiền Giang sẽ theo dõi quá trình điều tiết giao thông, lưu lượng giao thông và ảnh hưởng đến DN trong phạm vi khu vực cấm như thế nào. Nếu thấy hợp lý thì các bên sẽ họp lại để thống nhất và cùng kiến nghị cấp có thẩm quyền.

Cũng theo ông Thành, vấn đề quan trọng nhất trong việc quyết định có cấm theo giờ hay không là phụ thuộc vào Sở GTVT tỉnh. “Đề xuất cấm theo giờ tôi cũng đã theo dõi qua báo chí, nếu Sở GTVT tỉnh Tiền Giang thấy cần thiết phải cấm xe theo giờ thì kiến nghị lên Tổng cục Đường bộ. Còn nếu nhận thấy việc cấm như hiện nay là hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông thì vẫn giữ nguyên” - ông Thành nói.

“Về ý kiến cấm theo giờ, cơ quan quản lý đường bộ sẽ theo dõi, xem xét. Chúng tôi cũng đang tiếp thu, tuy nhiên phải theo dõi một thời gian nữa như thế nào mới có thể điều chỉnh cho phù hợp” - ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, nói.

Phiền phức chất chồng

Ông NTH, chủ một DN kinh doanh vận tải ở thị xã Cai Lậy, cho hay mới đây, ông nhận được giấy yêu cầu đăng ký cấp phép cho xe lưu thông trên QL1 đoạn qua Cai Lậy. Trên giấy đăng ký, ngành chức năng yêu cầu phải có xác nhận của địa phương, hơn nữa còn phải vẽ sơ đồ dự kiến các phương tiện sẽ lưu thông trong nội ô. “Việc làm này hết sức vô lý, xe của tôi kinh doanh vận tải dịch vụ, ai thuê ở đâu thì chạy đến đó rước. Bây giờ kêu tôi vẽ sơ đồ tôi phải vẽ như thế nào cho hợp lý, vẽ kiểu nào cũng bị phạt vì hiện nay chỉ phác họa được đường của bãi xe đến đường tránh. Nếu mai mốt tôi đi trong nội ô rước khách là không đúng theo sơ hình đăng ký, còn bây giờ kêu định tuyến đường đi của xe thì làm sao tôi biết người ta mướn chạy đi đâu mà vẽ” - ông H. bức xúc.

Cùng quan điểm, ông CGL, một chủ xe dịch vụ du lịch ở Cai Lậy, nói việc cấm xe là của ngành giao thông, như vậy đơn vị phải có trách nhiệm đến từng DN lập hồ sơ, danh sách. Không thể giao việc đó cho người dân tự làm, vì bản đăng ký của cơ quan chức năng người dân không tiếp thu hết. “Tôi đã nhận giấy đăng ký từ ba ngày trước nhưng đã viết sai mấy tờ rồi. Còn thêm cái vụ vẽ bản đồ, tôi biết đường đi chứ vẽ thì vẽ làm sao, cái này làm khó cho chúng tôi quá” - ông L. nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm