Từ 1-10, tăng giá dịch vụ tại các sân bay

Theo đó, giá cất/hạ cánh các chuyến bay được điều chỉnh tăng 5%, sau đó từ ngày 1-7-2018 sẽ tăng thêm 10%. Đồng thời, mức giá trong khung giờ cao điểm (khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 90% trở lên so với giới hạn khai thác của cảng) sẽ điều chỉnh tăng 115% so với giờ bình thường, còn tại khung giờ thấp điểm giảm còn 85%.

Trong khung giờ bình thường, mức giá cất/hạ cánh áp dụng với máy bay ATR 70 là 698.000 đồng mỗi lần; máy bay A320, A321 là hơn 1,5 triệu đồng; máy bay A350, B787, B777, A330 khoảng hơn 5,8 triệu đồng. Và từ ngày 1-7-2018 giá cất/hạ cánh đối với máy bay ATR 70 tăng là 765.000 đồng; máy bay A350, B787, B777, A330 tăng gần 6,5 triệu đồng.

Bộ GTVT đã có quyết định điều chỉnh mức giá dịch vụ tại các cảng hàng không. Trong ảnh: Cảng hàng không Pleiku. Ảnh: VIẾT LONG

Bên cạnh đó, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không đối với hành khách quốc tế sẽ được áp ở mức 2 USD (hiện tại là 1,5 USD). Đối với khách bay quốc nội, việc điều chỉnh tăng lên gần 12.000 đồng (hiện nay là 9.000 đồng) và đến ngày 1-4-2018 tăng lên 18.000 đồng. 

Cũng theo quyết định này, giá dịch vụ tại sân bay Đà Nẵng tăng lên là 20 USD mỗi khách (mức giá hiện nay là 16 USD/khách). Đồng thời mức giá dịch vụ tại Liên Khương, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh cũng ở mức 14 USD/khách; Tân Sơn Nhất 20 USD/khách...

Trước đó, trả lời Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc điều chỉnh giá, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cất/hạ cánh là nhằm đảm bảo đủ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng thời là một trong những giải pháp để tích lũy kinh phí sử dụng tái đầu tư phát triển.

Theo ACV, từ năm 2012 đến nay, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, ACV đã tập trung mọi nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của ACV) để hiện đại hóa hầu hết các cảng hàng không trên cả nước theo tiêu chuẩn quốc tế.

"Các dự án đầu tư của ACV đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế tăng chuyến và mở các đường bay mới đi đến các cảng hàng không của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của hành khách, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không Việt Nam phát triển…  Vì vậy, việc điều chỉnh khung giá là hợp lý..." - đại diện ACV lý giải.

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, đại diện một hãng hàng không giá rẻ cho biết bình thường giá vé máy bay tách biệt rõ ràng với các khoản phí mà hãng thu hộ cho cơ quan quản lý.

Đối với quyết định tăng giá các dịch vụ của Bộ GTVT, đại diện hãng này cho biết trong thời gian tới các khoản phí (hãng thu hộ cơ quan quản lý) sẽ được cập nhật lên hệ thống bán vé. Riêng với các loại phí cấu thành giá vé máy bay (phí cất/hạ cánh…) thì sẽ được tính toán lại và điều chỉnh thực tế. Các hãng sẽ có tính toán việc mức tăng riêng phụ thuộc vào tính chất, mô hình hoạt động của từng hãng.

Về việc tăng giá một số dịch vụ có thể làm giá máy bay bị “đội” lên cao, đại diện hãng này cho rằng không đáng lo ngại. Bởi vì các hãng hàng không hiện nay có rất nhiều khung giá vé nên có thể linh hoạt trong từng trường hợp.  

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm