Trình Quốc hội cho ý kiến sửa Luật Giao thông đường bộ

Bộ GTVT được giao tiếp tục đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện. Trong đó có đánh giá tác động về mặt lập pháp đối với các nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Ngoài ra, cần phân định rõ nội dung quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực giao thông và quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, xác định rõ hơn việc phân công trách nhiệm của Bộ Công an và các lực lượng có liên quan trong việc bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB.

“Để khắc phục tình trạng có quá nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường, nên quy định theo hướng giao lực lượng CSGT chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác này…” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi). Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp để tổng hợp vào đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Sau đó trình Quốc hội dự án luật trong năm 2020 để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ theo quy định.

Trước đó, Bộ GTVT có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi). Theo đó, dự luật này sẽ sửa đổi theo hướng quy định về quy tắc giao thông phù hợp với công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, công ước về GTĐB...

Bên cạnh đó, quy định về tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe căn cứ vào loại đường, loại xe, điều kiện cụ thể về tình trạng kỹ thuật, tình hình giao thông trên từng tuyến đường. Bổ sung quy định để nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện không kinh doanh vận tải… “Ngoài ra, luật sẽ bổ sung quy định về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm GTĐB, thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng…” - Bộ GTVT cho hay.

Cần thiết phải có luật bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, cơ bản Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý về sự cần thiết phải xây dựng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần cân nhắc phạm vi và mức độ điều chỉnh của dự án luật này đối với các vấn đề về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Qua đó bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội dung điều chỉnh của dự án Luật GTĐB (sửa đổi) cũng như của hệ thống pháp luật nói chung, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện luật. Trong đó làm rõ hơn sự cần thiết của luật, các đề xuất chính sách, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện... Sau đó, bộ công an trình Chính phủ xem xét, quyết định vào cuối năm 2020 để đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm