TP.HCM: Muốn thi sát hạch lái xe phải chờ tới năm 2021

Ghi nhận của PV, tại các trung tâm, trường dạy lái xe trên địa bàn TP.HCM đều xảy ra tình trạng ùn ứ học viên. Học viên mới muốn đăng ký học để được sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) đều phải chờ đến tháng 2, tháng 3 năm sau.

Chờ tới năm 2021

Chị NTN (quận Phú Nhuận) cho biết chị đăng ký học lái xe tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia từ tháng 6-2020, nhưng tại đây chị được tư vấn phải chờ tới tháng 2-2021 mới có đợt thi sát hạch. Theo chị N., nhân viên trung tâm này hẹn chị tới tháng 10 đến bổ sung hồ sơ và tới tháng 12 mới bắt đầu được đào tạo. “Tôi muốn học ngay lúc nộp hồ sơ nhưng để đảm bảo không quên kiến thức Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe thì nhân viên ở đây tư vấn tôi nên học vào tháng 12” - chị N. nói.

Còn theo một giáo viên dạy lái xe, dù lịch sát hạch lái xe đã quá tải và đẩy tới quý I-2021 nhưng danh sách học viên đăng ký học lái xe của anh vẫn dày đặc. Giáo viên này cũng cho biết ngoài việc phải chờ đến năm sau thì học viên muốn đăng ký học để thi sát hạch GPLX hạng B2 phải đóng học phí với mức 13,8 triệu đồng (đối với học viên tự đến sân tập) và 14,5 triệu đồng (với học viên có nhu cầu đưa đón). Mức phí này đã bao gồm lệ phí thi.

Khảo sát tại một số trung tâm đào tạo lái xe như Trường dạy lái xe Thành Công, Trung tâm đào tạo lái xe quốc tế Á Châu và một số trung tâm khác, chúng tôi đều được tư vấn thời điểm thi sát hạch hạng B2 là vào tháng 3 và tháng 4-2021. Đối với hạng B1, thời gian thi là tháng 4 và tháng 5-2021.

Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch tại TP.HCM cho biết có tình trạng ùn ứ là do thời điểm dịch COVID-19 trước đó đã ngưng sát hạch theo chỉ thị cách ly xã hội, do vậy số lượng hồ sơ của các học viên bị dồn lại. Ngay sau khi Sở GTVT cho phép sát hạch trở lại, ngoài số học viên cũ thì số lượng học viên mới của các trung tâm tăng đột biến khiến các trường phải đầu tư thêm xe, giáo viên để đào tạo cho học viên học đủ thời gian quy định. “Trường nào không có đủ điều kiện, cơ sở vật chất thì số lượng học viên càng bị dồn lại nhiều hơn” - vị này cho biết.

Giáo viên Trường trung cấp giao thông Tiến Bộ (quận Tân Phú) đang hướng dẫn học viên học thực hành lái xe ô tô. Ảnh: LƯU ĐỨC

Tăng cường bố trí lịch sát hạch

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, cho biết thời điểm từ ngày 6-3 đến hết 10-5, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác đào tạo bị tạm ngưng và việc sát hạch bị hạn chế bởi số lượng người sát hạch nhiều. Chính vì vậy mà thời gian học và thi bị đẩy lùi.

Theo ông Quang, ngoài ra còn nguyên nhân khiến việc sát hạch bị ùn ứ là theo lộ trình quy định tại Thông tư 38/2019, các cơ sở đào tạo phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1) từ ngày 1-5. Đến thời điểm nói trên, một số cơ sở không đáp ứng điều kiện và không được phép khai giảng các khóa đào tạo lái xe mới.

Hiện Sở GTVT TP đang quản lý 73 cơ sở đào tạo lái ô tô, mô tô và 25 trung tâm sát hạch lái xe với hơn 5.600 giáo viên dạy lái xe, 7.000 xe tập lái. 

Ngoài ra, vấn đề sát hạch cấp GPLX còn liên quan đến nguồn lực trang thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân sự của ngành giao thông vận tải phục vụ công tác sát hạch lái xe còn nhiều hạn chế, phải kiêm nhiệm.

“Với quy mô dân số của TP.HCM, để đáp ứng toàn bộ nhu cầu người dân đối với việc sát hạch cấp GPLX là rất khó khăn” - ông Quang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho biết để giải quyết tình trạng này, sở tăng cường bố trí lịch sát hạch cấp GPLX, điều chỉnh tăng số lượng học viên một kỳ sát hạch tại một số trung tâm sát hạch lái xe đáp ứng điều kiện. Đồng thời bố trí tăng số lượng kỳ sát hạch cấp GPLX vào cuối tuần (các ngày thứ Bảy, Chủ nhật) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham dự đầy đủ và hoàn thành các kỳ sát hạch với chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng công tác đào tạo, sát hạch còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19.

Sát hạch lái xe theo quy định mới

Từ ngày 1-5, các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1), qua đó đảm bảo giám sát chặt chẽ thời gian học lý thuyết của học viên tại các cơ sở đào tạo.

Từ ngày 1-8, áp dụng bộ đề thi 600 câu hỏi vào kỳ thi sát hạch GPLX. Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo đưa vào trang bị cabin điện tử học lái ô tô và thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên sau sáu tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành.

Từ ngày 1-1-2021, các cơ sở đào tạo đưa vào sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái ô tô. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm