TP.HCM: Dùng công nghệ 4.0 giải cứu ùn tắc giao thông

“Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ hoàn thành trung tâm giám sát và điều khiển giao thông với bốn chức năng chính, được xem như một trong những trung tâm tích hợp hiện đại nhất cả nước” - trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý hầm vượt sông Sài Gòn, đơn vị được giao làm Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM (trung tâm), cho biết như trên.

Dùng “mắt thần” điều khiển giao thông

Theo ông Triết, với hệ thống camera đã có và lắp đặt thêm những cái mới, trung tâm sẽ chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát giao thông toàn TP cùng 54 màn hình có độ phân giải cao, giúp nhân viên vận hành kịp thời và xử lý ngay các tình huống giao thông phát sinh. Ngoài ra còn có 136 camera đo đếm lưu lượng chuyên dụng, 188 tụ điều khiển thông minh ở các nút giao thông quan trọng của 78 tuyến đường được lắp đặt đồng bộ.

Ông Triết thông tin mới đây, sáng sớm 9-1, giao lộ quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá (quận 12) xảy ra va chạm giữa xe tải và ô tô gây cản trở giao thông trong lúc xe đông, di chuyển chậm. Tuy nhiên, tin báo của trung tâm lập tức được nhân viên truyền đến group Viber của cơ quan chức năng lúc 6 giờ 6 phút, chỉ ít phút sau, tin nhắn từ CSGT quận 12 trả lời: Đã nhận tin. Ngay sau đó, nút giao quan trọng này được giải tỏa kẹt xe.

Theo ông Triết, cảnh tượng tại trung tâm lúc này rất nhộn nhịp, hàng trăm màn hình lớn nhỏ hiển thị giao thông ở TP.HCM. Do vậy, chỉ một va chạm nhỏ, một chỗ ùn tắc sẽ được phát hiện nhanh chóng.

Ông Triết chia sẻ một trường hợp khác: Cầu Phú Mỹ, hướng quận 2 sang quận 7 xe đông, xếp hàng dài do có xe chết máy trên cầu. Ngay sau đó CSGT Cát Lái đã nhận tin từ trung tâm và xử lý kịp thời, giao thông trở lại bình thường. Một vụ kẹt xe được truyền từ trung tâm “đầu não” và xử lý trong vài phút, điều mà trước đây rất ít khi TP.HCM làm được.

“Không những vậy, chúng tôi còn thu thập thông tin của 67.000 dữ liệu GPS (giám sát hành trình) của các loại xe kinh doanh vận tải như xe buýt, xe tải… Qua dữ liệu này sẽ thấy được chỗ nào đông xe, chỗ nào đang lưu thông chậm để điều tiết hợp lý hơn. Thông tin này sẽ lập tức được chia sẻ trên cổng thông tin giao thông cho người dân cập nhật” - ông Triết phân tích.

Với sự vận hành 24/7 trong cả 365 ngày, trung tâm giám sát và điều khiển giao thông này được xem như “mắt thần” hiện đại nhằm giúp người dân né các điểm kẹt xe, chống ùn tắc, xử lý các sự cố hạ tầng hữu hiệu.

Trợ lý ảo chống ùn tắc

“Từ tháng 9 năm ngoái, Sở đã kết hợp với công ty công nghệ triển khai tích hợp Cổng thông tin giao thông TP thông qua chức năng trợ lý ảo Chatbot trên nền tảng xã hội mạng Zalo” - ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng, Sở GTVT TP.HCM, thông tin.

Theo ông Đường, Cổng thông tin giao thông điện tử TP (trên nền tảng web, ứng dụng di động) là công cụ tiếp nhận và phản hồi trực tuyến các phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các bất cập, sự cố hạ tầng và cả thông tin về giao thông TP.

Thống kê của Sở GTVT cho hay tính đến thời điểm này, cổng thông tin có hơn 2,2 triệu lượt truy cập, tổng lượt tải ứng dụng cả nền tảng Android và iOS là 102.450 lượt.

Bên cạnh đó, năm qua Sở GTVT cũng đã ứng dụng hàng loạt công nghệ vào điều khiển giao thông như hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân), thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô trên địa bàn TP thông qua ứng dụng di động MyParking ở 23 tuyến đường, đẩy mạnh công nghệ trong công tác quản lý hệ thống chiếu sáng…

“Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong công tác quản lý và điều hành giao thông, thông qua việc phối hợp thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật và phát triển hệ thống giao thông thông minh từ các đối tác nước ngoài” - ông Đường chia sẻ.

Trước mắt, thời gian tới Sở GTVT sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) thông qua nhận diện thẻ Etag, liên thông và thanh toán liên ngân hàng tại ba trạm thu phí BOT trên địa bàn TP.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm