Tỉnh hướng dẫn phương tiện vận tải ra vào khi Vũng Tàu giãn cách

TP Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày kể từ 14-7. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ban hành công văn hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Trường hợp nào được phép hoạt động?

Kể từ 00 giờ ngày 14-7 tạm dừng tất cả hoạt động kinh doanh vận tải đi/đến TP Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho đến khi có thông báo mới. Trừ các trường hợp sau:

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản,...) từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến Vũng Tàu và các tỉnh đến tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và ngược lại.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh; xe chở chuyên gia, công nhân từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến thành phố Vũng Tàu và các tỉnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại; xe công vụ, xe chở người đi cấp cứu.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên địa bàn Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến Vũng Tàu và các tỉnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

Các trường hợp được phép hoạt động phải đáp ứng quy định về phòng chống dịch.

Tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính

Cụ thể, tài xế, người theo xe (nếu có), chuyên gia, công nhân: Trường hợp đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc bằng test nhanh kháng nguyên hai lần vào thời điểm trước khi đi/ra và khi quay về.

Trường hợp khi vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (không đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch) bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực ba ngày tính từ ngày xét nghiệm.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện khai báo y tế đầy đủ trung thực, thực hiện quét mã QR

CSGT điều phối xe vào chốt kiểm tra trên Quốc lộ 51, đoạn cửa ngõ vào Bà Rịa- Vũng Tàu-Ảnh:LM

Đối với việc vận chuyển chuyên gia, công nhân: Phương tiện phải được khử khuẩn, tất cả các chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, ngồi cách ghế, cách hàng, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Người ngồi trên xe phải đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình vận chuyển, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định.

Hoàn thiện phần mềm cấp Giấy nhận diện phương tiện tích hợp khai báo y tế

Người đứng đầu đơn vị phải quy định cụ thể và cố định tuyến, chuyến xe, người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh COVID-19.

Đối với vận chuyển hàng hóa thì đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm lưu thông đúng lộ trình và đúng mục đích.

Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải thực hiện: Ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch

Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tài xế, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe có đủ điều kiện phòng, chống dịch theo quy định mới được tham gia vận chuyển; kiểm soát tài xế, lộ trình di chuyển của xe thông qua thiết bị giám sát tại đơn vị.

Yêu cầu tài xế chỉ dừng đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh cá nhân) đúng theo các địa điểm đã ghi trong giấy vận tải, tập trung chạy thẳng đối với các tuyến vận tải hàng hóa có hành trình đi qua tỉnh trung gian.

Tỉnh yêu cầu Sở GTVT và Sở Y tế cùng phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thiện phần mềm cấp Giấy nhận diện phương tiện tích hợp khai báo y tế. Kiểm tra, giám sát đảm bảo việc lưu thông được thuận lợi cho các đơn vị nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm