Tiền đã về, đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể chậm

Tại cuộc họp Ban quản lý dự án đường sắt sáng 29-12, báo cáo với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cho biết đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%.

Do vướng mắc các thủ tục gia hạn vốn vay nên từ đầu năm đến hết tháng 9-2017, dự án chỉ giải ngân được hơn 10 triệu USD. Đây là nguyên nhân chậm tiến độ dự án trong năm nay.

Hiện vướng mắc này đã giải quyết xong. Ngày 28-12, hiệp định vay vốn 250 triệu USD bắt đầu có hiệu lực.

Đốc thúc thực hiện các hạng mục đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Đông nói: "Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa".

Để kịp đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2018, Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt chủ động phối hợp với tổng thầu thực hiện các công trình đúng tiến độ. Nếu có vướng mắc, Ban cần báo cáo ngay với Bộ GTVT để giải quyết kịp thời.

Theo kế hoạch, trong tháng 1-2018, Bộ GTVT sẽ báo cáo tình hình triển khai dự án với Chính phủ để chốt tiến độ.

Theo tiến độ của tổng thầu Trung Quốc, đầu tháng 9-2018 sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ 3 đến 6 tháng, dự án sẽ khai thác thương mại. 

Trước đó, ngày 22-12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì buổi họp tình hình thực hiện, rà soát, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu thứ trưởng phụ trách lĩnh vực này phải làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Trung Quốc, Bộ Tài chính, các bên liên quan để thúc đẩy hiệp định có hiệu lực, đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn bổ sung cho dự án. Đồng thời, làm việc với TP Hà Nội rà soát việc kết nối tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông với các phương tiện vận tải khác trong khu vực để nâng cao hiệu quả khai thác tuyến.

Ban quản lý dự án cho biết đã yêu cầu Tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ. Ngoài ra, Ban quản lý yêu cầu Tổng thầu thay thế nhà thầu phụ yếu kém và kiến nghị Bộ GTVT xếp hạng nhà thầu năng lực yếu nếu làm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm