Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Khó khả thi

Sáng 12-12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông”.

Theo ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, việc thu phí là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc nhưng phải đạt bốn tiêu chí, gồm có: Đồng bộ với các giải pháp khác; phải có cơ sở pháp lý đối với việc thu; mức thu phải phù hợp với đời sống của người dân, nền kinh tế-xã hội của TP và cơ sở pháp lý cho việc xử phạt. “Cần làm rõ lợi và hại của việc thu phí, liệu nó có phù hợp với thực tế, có đem lại hiệu quả xã hội và liệu có được người dân đồng thuận không?” - ông Lưu đặt vấn đề.

Phí chồng phí?

Mở đầu phần phản biện, luật sư Trương Thị Hòa đặt vấn đề theo Luật phí và lệ phí (có hiệu lực từ 1-1-2017) liên quan đến giao thông thì chỉ có ba loại phí: phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng tạm lòng đường hè phố và phí sát hạch lái xe. Hoàn toàn không có loại phí thu với ô tô vào trung tâm để giảm ùn tắc giao thông. Như vậy, đơn vị soạn thảo đề án tự đưa ra một loại phí mới sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí. “Người dân TP đã phải đóng nhiều loại thuế, phí lắm rồi. Vậy nay đừng tự đưa một loại phí mới nằm ngoài quy định của pháp luật nữa” - luật sư Hòa nói.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT, có ý kiến trao đổi: Ở các nước có loại phí chống ùn tắc giao thông với nội hàm rộng hơn và có thể áp dụng cho mọi khu vực, còn loại phí tạm gọi là phí ô tô đi vào trung tâm TP mà đơn vị lập đề án đưa ra có nội hàm và phạm vi áp dụng rất hẹp. “Trong điều kiện TP.HCM đã được trao cơ chế đặc thù thì UBND, HĐND TP cần đưa ra và luật hóa loại phí này là phí chống ùn tắc giao thông và nó như là phần nhỏ, phần con của phí sử dụng đường bộ. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của phí này là chống ùn tắc, là để các loại xe sử dụng đường bộ được thuận lợi hơn, không bị ùn tắc” - ông Mười nói.

Các chuyên gia cho rằng đề án này là khó khả thi. Đồ họa: HỒ TRANG

Ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (đơn vị xây dựng dự thảo đề án), cho rằng phí ô tô vào trung tâm TP (dù thu một lần) nhưng chỉ khi xe đi vào trung tâm thì mới bị trừ vào tài khoản, còn phí sử dụng đường bộ thì có đi hay không đi chủ xe vẫn phải đóng và bị trừ.

Lo ngại cước vận tải hàng hóa sẽ dội lên

Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP chưa “chín muồi”, khó khả thi. Vì lẽ, trong trường hợp người dân không vào khu trung tâm, phải chạy vòng trên các đường vành đai nhưng những tuyến đường này lại quá nhỏ hẹp, dẫn đến nguy cơ ùn tắc chuyển từ chỗ này tới chỗ khác. Cạnh đó, nếu lập vành đai thu phí 930 ha thì mạng lưới xe buýt bắt buộc phải phát triển không chỉ trong khu lõi này mà cả ở vùng xung quanh để người dân di chuyển vào ra trung tâm TP. Mặt khác, phải xây dựng hệ thống bến bãi xung quanh vành đai thu phí để xe chở người, chở hàng hóa lưu đậu khi không vào trung tâm…

TS Nguyễn Lê Ninh cũng cho rằng khi người dân đã bỏ ra từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng để mua xe đi thì phải đóng phí 30.000-50.000 đồng/lượt họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Ông Ninh lo ngại khi chủ xe hàng chấp nhận đóng phí thì cước vận tải hàng hóa vào trung tâm TP sẽ dội lên.

Ai được quyền xử phạt?     

Theo đề xuất trong đề án, Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ GTVT sẽ xây dựng quy trình trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các xe, chủ xe không nộp phí đi vào trung tâm TP. Theo đó, ba tháng/lần đơn vị quản lý dự án sẽ lập danh sách xe không mua, nộp phí mà vẫn đi vào trung tâm TP để Sở GTVT, ngành đăng kiểm đưa xe đó vào dạng cảnh báo không được xét xe trong chu kỳ tới. Chỉ khi chủ xe đóng đủ phí và phạt tại thanh tra giao thông thì mới được gỡ bỏ cảnh báo và cho xét xe.

Theo một cán bộ Thanh tra Sở GTVT, thanh tra giao thông chỉ có quyền xử phạt xe đi vào đường cấm, dừng/đỗ sai quy định, không có quyền xử phạt xe không đóng phí. “Thu, nộp, thanh toán phí khi đi vào trung tâm là quan hệ kinh tế giữa nhà đầu tư BLT và chủ xe, không phải là quan hệ hành chính nên không thể “kéo” thanh tra giao thông vào” - vị cán bộ Thanh tra Sở GTVT nói.

Những nội dung chính của đề án

Theo đề án, vùng thu phí có diện tích 930 ha, bao gồm quận 1, quận 3 và một phần quận 5, quận 10. Vùng thu phí được giới hạn bởi các đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng Tám) và đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Trên các tuyến đường này sẽ có 34 cổng thu phí tự động với các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.550 tỉ đồng, trong đó mua sắm thiết bị là hơn 1.100 tỉ đồng. Hình thức đầu tư PPP với dạng hợp đồng BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao), thời gian hợp đồng là 15 năm.

Việc thu phí sẽ được thực hiện theo hai phương án: Một, vào giờ cao điểm sáng từ 6 giờ đến 9 giờ và chiều từ 16 giờ đến 19 giờ. Hai, thu xuyên suốt từ 6 giờ đến 19 giờ hằng ngày.

Về mức thu phí, Công ty Tiên Phong (đơn vị lập dự án) đề xuất 30.000 đồng/lượt taxi; 40.000 đồng/lượt với ô tô con, xe chở khách hợp đồng dưới chín chỗ; với xe tải, xe khách du lịch và xe khách hợp đồng từ chín chỗ trở lên là 50.000 đồng/lượt; không thu phí xe buýt.

Thu phí chưa phải là tối ưu

Việc thu phí ô tô vào trung tâm TP chưa chắc đạt được mục tiêu giảm ùn tắc, kẹt xe nhưng có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP. Vì vậy cần phải tính toán hệ thống, giải pháp đồng bộ cho vấn đề chống kẹt xe. Hiện nay khu vực nội đô TP chỉ đạt tỉ lệ 2 km đường/km2 (yêu cầu là phải 9 km đường/km2), thấp nhất nước, trong khi lượng phương tiện xe ở TP lại cao nhất cả nước. Cần phải đánh giá tổng thể các nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, kẹt xe để tìm ra giải pháp, chứ không thể chắc chắn rằng việc thu phí sẽ đạt được mục tiêu về giao thông…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM TRẦN VĨNH TUYẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm