Thu phí không dừng: Tiện nhưng… bị ‘ngó lơ’

Tháng 2-2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai tới 30 trạm đăng kiểm của khu vực TP.HCM, miền Đông và miền Tây Nam bộ việc dán (miễn phí) thẻ định danh xe để thu phí qua trạm mà không phải dừng (thẻ E-Tag). Đến nay công việc trên đang có dấu hiệu ngưng trệ vì nhiều lý do.

Tiện nhưng chưa bắt buộc

Tài xế Đoàn Thu, ngụ quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết anh thường xuyên chở khách đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nên khi nghe triển khai dán thẻ E-Tag và cấp tài khoản thu phí không dừng, anh đã đưa xe đến trung tâm đăng kiểm trên xa lộ Hà Nội để làm thủ tục dán thẻ, tạo tài khoản. “Trước đây, mỗi lần đi qua trạm thu phí nhanh cũng mất 30 giây đến một phút, chậm thì 5-7 phút, thậm chí nếu lượng xe lớn thì ùn tắc là khó tránh. Còn nay đi qua trạm thu phí không dừng, xe không phải dừng, lái xe không phải đưa tiền chờ lấy vé nên tốc độ qua trạm rất nhanh” – anh Đoàn Thu nói.

Tài xế Hồ Văn Hồng, ngụ huyện Bình Chánh cũng đồng tình cho rằng thu phí một dừng như ở các trạm BOT hiện nay vừa làm chậm hành trình vừa tốn thêm dầu. Còn khi áp dụng thu phí không dừng sẽ tiết kiệm được nhiên liệu cho mỗi lần xe qua trạm, tốc độ lưu thông không bị gián đoạn. Trong khi đó, tài xế Hoàng Ngọc Hồ, ngụ quận Bình Tân, chia sẻ: “Mỗi tháng tôi đi Tây Nguyên 5-7 chuyến nhưng hiện các trạm vẫn đang thu phí bình thường nên tôi thấy chưa cần thiết phải dán thẻ E-Tag ngay. Lại nữa, việc có dán thẻ hay không là do chủ xe quyết định, tôi muốn lắm nhưng phải hỏi ông chủ đã”.

Làn thu phí tự động ở Trạm An Sương - An Lạc, TP.HCM. Ảnh: L.ĐỨC

Hướng dẫn dán tem định dạng E-Tag trên xe. Ảnh: L.ĐỨC

Chủ trạm BOT ngại thu phí tự động?

Thông tin từ các trạm đăng kiểm của khu vực TP.HCM, miền Đông và miền Tây Nam bộ cho biết sau hơn bốn tháng triển khai, đến nay các trạm mới dán được khoảng 2.000 thẻ E-Tag. Đây là con số quá ít so với số lượng xe của các khu vực. Các trạm lý giải vì đây là dịch vụ mới nên nhiều chủ phương tiện còn cân nhắc, chọn lựa; nhất là khi vẫn còn nhiều trạm thu phí BOT chưa được lắp thiết bị thu phí không dừng nên chưa cần thiết phải dán thẻ E-Tag ngay.

Trong khi đó, một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam lại có nhận định khác: “Do tính minh bạch và không phải dùng tiền mặt thanh toán của thu phí không dừng và thẻ E-Tag làm cho một số nhà đầu tư BOT ngán ngại. Bằng chứng là thời gian qua nhiều trạm không mặn mà lắm với việc lắp đặt các thiết bị kỹ thuật đọc xe qua trạm không dừng”.

Tuy vậy, phía các tài xế cũng còn điều băn khoăn. Tài xế Văn Dũng, ngụ quận 12, đặt câu hỏi khi áp dụng thu phí không dừng, nhiều chủ xe thường nạp dư số tiền vào tài khoản thẻ. Khi đó, số tiền dư này sẽ do ai quản lý và liệu có được tính lãi không?

Về thắc mắc này, ông Vũ Quang Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Thu phí tự động đường bộ VETC, cho biết: “Về nguyên tắc, tài khoản này vẫn thuộc sở hữu của khách hàng. Khi khách hàng đi qua trạm thu phí thì số tiền sẽ được trừ từ tài khoản trung gian sang tài khoản của VETC. Cạnh đó, số tiền dư trong tài khoản của khách hàng sẽ được tính lãi tiền gửi không kỳ hạn như ở các ngân hàng”.

Hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn tại các trạm thu phí

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến nay có 90 trung tâm đăng kiểm trên cả nước thực hiện dán thẻ định danh E-Tag để thu phí qua trạm mà không phải dừng. “Theo chủ trương của Bộ GTVT, tới đây 100% trạm thu phí đường bộ trên cả nước, cả trạm thu cho ngân sách và trạm BOT, phải thực hiện thu phí không dừng xe để giảm ùn tắc, nhất là với năm đô thị lớn” - ông Trí cho biết. Cụ thể, theo lộ trình do Bộ GTVT đưa ra, đến cuối năm 2018, các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí không dừng và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn tại các trạm thu phí.

Dán một thẻ, đi toàn quốc

Đến nay Bộ GTVT chọn loại công nghệ đọc thẻ E-Tag bằng sóng radio của Tổng Công ty Thu phí tự động đường bộ VETC để đồng bộ hóa việc gắn, đọc thẻ, thu phí trên tất cả trạm của cả nước. Như vậy trên mỗi xe chỉ cần gắn một loại thẻ E-Tag là qua được tất cả trạm.

Thẻ định danh E-Tag có hai loại: Loại gắn bên trong kính trước của xe. Trên thẻ có logo VETC màu xanh lá cây, mã vạch, mã số định danh xe. Loại thẻ này được dán ở góc dưới bên phải của ghế phụ, phía dưới của tem kiểm định và tem thu phí bảo trì đường bộ. Với các xe có kính được cấu tạo bởi các loại film tản nhiệt chứa chất sắt cao, sóng radio không thể quét được thì có loại tem dán ở đèn chính bên phải. Theo ông Vũ Quang Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Thu phí tự động đường bộ VETC, thẻ E-Tag có độ bền sử dụng trên 10 năm.

________________________________

Tới đây, việc buộc phải dán thẻ E-Tag sẽ được luật hóa trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung. Còn trước mắt việc dán thẻ là tự nguyện nên các loại xe qua trạm có thể đi vào làn thu phí thủ công hoặc làn thu phí tự động.

Ông NGUYỄN HỮU TRÍ,
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm