Tàu hỏa vào trung tâm, giao thông TP.HCM rối loạn!

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn, cho biết đoạn đường sắt Bắc-Nam trên địa bàn TP.HCM, đi sâu vào trung tâm TP để vào ga Sài Gòn dài khoảng 14 km. Thông thường mỗi ngày có khoảng 20 chuyến tàu đi và đến ga Sài Gòn. Vào dịp hè, con số này tăng thêm 10 chuyến đi và đến, vào dịp Tết tăng thêm 16 chuyến tàu đi và đến, tức có 36 chuyến tàu đi và đến ga Sài Gòn mỗi ngày. Để vào đến ga Sài Gòn (phường 9, quận 3), mỗi chuyến tàu phải đi qua hàng chục nút giao cắt với đường bộ. Cứ qua mỗi nút giao là một lần xảy ra ùn ứ, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân TP.

Tàu đi qua là ùn tắc

Theo ghi nhận của chúng tôi, đường sắt Bắc-Nam đi vào trung tâm TP.HCM hiện cắt ngang 20 điểm đường bộ có người gác và sáu đường ngang cảnh báo tự động. Hiện tại, ở một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, ùn tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm.

Đơn cử như điểm giao cắt giữa đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) với đường ray xe lửa, vào giờ cao điểm sáng và chiều trong ngày tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông luôn xảy ra mỗi khi tàu đi qua. Phải mất hơn năm phút sau tình hình giao thông mới bình thường trở lại. Tương tự, điểm giao cắt giữa đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) với đường ray xe lửa cũng xảy ra tình trạng ùn ứ, ùn tắc vào giờ cao điểm. Đây là trục đường chính đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP và ngược lại nên lưu lượng phương tiện khá đông. Mỗi khi đoàn tàu đi qua, hàng trăm phương tiện phải dừng đợi gây cảnh ùn ứ tạm thời. Nhiều người đi ra sân bay tỏ ra khá lo lắng vì sợ trễ giờ bay.

Hàng trăm phương tiện ùn ứ tại điểm giao giữa đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) với đường sắt Bắc-Nam. Ảnh chụp lúc 16 giờ 42 ngày 29-12-2017. Ảnh: NGUYỄN HUY

Anh Huỳnh Ngọc Quý, ngụ quận 7, cho biết: “Mỗi lần đi ra sân bay tôi đều sợ cảnh đi vào giờ cao điểm và đặc biệt là phải chờ tàu hỏa đi qua. Do đó, tôi luôn trừ hao thời gian và đi tránh giờ cao điểm để kịp giờ bay. Lần này do bận việc nhà nên ra sân bay hơi muộn và bây giờ tôi đang phải đợi cho tàu đi qua mới di chuyển tiếp được”.

Tại điểm giao cắt giữa đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) với đường sắt cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Vào lúc 16 giờ 55 ngày 29-12-2017, đường Hoàng Văn Thụ đang vào giờ tan tầm. Một chuyến tàu đi vào ga Sài Gòn qua điểm giao này. Tiếng chuông vang lên, ngay lập tức nhân viên gác xe lửa kéo thanh barie chắn ngang đường Hoàng Văn Thụ, hàng trăm phương tiện dừng lại, kéo dài cả cây số hai bên nút cắt. Sau khoảng 20 giây, đoàn tàu đi qua, thanh barie được kéo lên và tình trạng hỗn loạn bắt đầu. Ít nhất gần 10 phút sau tình hình giao thông mới tạm ổn.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, do lượng phương tiện ở đường Hoàng Văn Thụ vào giờ tan tầm đông đúc, các nhân viên trực gác chắn đã tìm cách rút ngắn thời gian chờ tàu cho người đi đường bằng cách mở barie trước lúc tàu chạy qua nhưng tình trạng ùn ứ, kẹt xe sau mỗi lần tàu chạy qua là điều không tránh khỏi.

Tại điểm giao giữa quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) với đường ray xe lửa cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Bởi tuyến quốc lộ này là tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc TP, đây cũng là tuyến đường được quy định cho xe chở khách ra vào Bến xe Miền Đông. Do đó, khi vào giờ cao điểm, hàng ngàn phương tiện các loại phải chen nhau chờ tàu qua. Sau khoảng 10 phút, tình hình giao thông ở khu vực này mới bình thường trở lại.

Vấn đề dời ga Sài Gòn là quá xa vời vì để giải quyết vấn đề xung đột giao thông ở điểm giao với đường sắt và đường bộ tại TP.HCM, Chính phủ chọn giải pháp xây dựng đường sắt trên cao vào ga Sài Gòn và đã được Thủ tướng phê duyệt.

Vấn đề bây giờ nằm ở chỗ có kinh phí để triển khai dự án này. Hiện tại kinh phí là bài toán được đặt ra và cần tìm lời giải…

TS PHẠM SANH, chuyên gia  giao thông - đô thị 

Giải pháp nào?

Theo số liệu được Sở GTVT TP.HCM công bố, tính đến ngày 15-3-2017, TP.HCM đang quản lý tổng cộng gần 8 triệu phương tiện các loại, trong đó gần 650.000 ô tô, còn lại là mô tô. Số mô tô năm 2017 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 63,4% so với cuối năm 2010. Số liệu này chưa tính lượng phương tiện các tỉnh đang lưu thông trên địa bàn TP (khoảng trên 1 triệu phương tiện các loại). Do đó, tình hình ùn ứ, ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt với đường sắt ngày càng phức tạp hơn.

Theo nhận định của một chuyên gia giao thông, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ, ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ là do số lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều nhưng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là bố trí giao thông ở các điểm giao này thì lại chưa đáp ứng kịp. Việc tồn tại ga Sài Gòn ở trung tâm TP cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở các giao điểm với đường bộ.

Một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Vận tải Sài Gòn cho hay trước đây nhằm giảm áp lực giao thông ở các điểm giao cắt với đường sắt ở TP.HCM, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cho các chuyến tàu khởi hành vào ban đêm từ ga Sài Gòn hoặc đến ga Sài Gòn vào lúc 4-5 giờ sáng và vẫn còn được áp dụng đến nay. Tuy nhiên, tuyến đường sắt Bắc-Nam đi vào TP.HCM là tuyến đường sắt đơn, các đoàn tàu về đến ga Sài Gòn là đường cụt. Cho nên việc sắp xếp, bố trí các đoàn tàu tránh lưu thông vào ban ngày hoặc giờ cao điểm là rất khó khăn.

Làm đường sắt trên cao

Để giải quyết bài toàn ùn ứ giao thông do tuyến đường sắt Bắc-Nam đi vào ga Sài Gòn, từ năm 2008, trong văn bản góp ý với Bộ KH&ĐT về dự thảo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP.HCM đã có kiến nghị dời ga Sài Gòn (quận 3), ga Bình Triệu (quận Thủ Đức) về ga Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Sau đó, ngày 8-4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến sau năm 2020. Trong quy hoạch này, ga Sài Gòn vẫn được giữ ở vị trí cũ. Đồng thời sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn Trảng Bom-Hòa Hưng (ga Sài Gòn). Trong đó, đoạn từ ga Bình Triệu đến ga Hòa Hưng thành đường sắt trên cao.

Gần đây nhất, cuối tháng 5-2017, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ GTVT đầu tư dự án này. Hiện nay dự án đường sắt trên cao vào ga Hòa Hưng vẫn chưa được triển khai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm