Tăng cường trách nhiệm cá nhân trong đầu tư BOT

"Việc thực hiện giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết và kịp thời,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định như trên tại phiên họp UBTVQH sáng 15-8.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng báo cáo giám sát đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là kế hoạch hóa quá trình đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của đất nước.

Trong đó có cả việc lựa chọn các dự án đầu tư ưu tiên còn chưa hợp lý; những tồn tại từ khâu chuẩn bị đầu tư đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí...  Ngoài ra, công tác khai thác, vận hành công trình, như việc xác định vị trí các trạm thu phí chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân hay việc định giá phí còn cao…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.TUYẾN

Phó Thủ tướng nêu ví dụ cụ thể như việc đầu tư xây dựng, doanh nghiệp đặt trạm thu phí chưa hợp lý tại cầu Hạc Trì (Phú Thọ), gây ra bức xúc trong dư luận. "“Cầu Hạc Trì chất lượng cầu cũ còn tốt, khi đầu tư xây dựng cầu mới thì ngăn không cho người dân đi cầu cũ nữa. Câu hỏi đặt ra là đã thực sự cần thiết phải đầu tư cầu mới chưa? Nếu cầu cũ kém chất lượng, vậy trách nhiệm là của ai?”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ khi có dư luận bức xúc về các dự án đầu tư theo hình thức BOT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương phải đánh giá lại các dự án giao thông BOT (có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước) để chỉ rõ những mặt được, tồn tại hạn chế và tìm giải pháp khắc phục.

Để giải quyết các bất cập trong dự án BOT giao thông trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng là cần phải tập trung rà soát lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực của quốc gia, khu vực, thậm chí của các địa phương. Từ đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng như phù hợp với nguồn lực của nền kinh tế trong từng giai đoạn. 

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện thể chế về đầu tư xây dựng. Đặc biệt là cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Luật Đối tác Công – Tư để tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. 

“Ngoài ra, từ nay đến 2020, phải cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc quan trọng từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Từ 2020-2025 có thể làm một số đoạn ưu tiên của đường sắt tốc độ cao; sân bay quốc tế Long Thành. Cần phải xác định rõ thứ tự ưu tiên”, Phó Thủ tướng nói. 

Một nhóm giải pháp khác cũng được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo thực hiện là tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác… 

“Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí… Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó đảm bảo được quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân”, Phó Thủ tướng phân tích. 

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm