Sẽ xem xét điều chỉnh vốn 2 dự án metro TP.HCM

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi tổng thư ký Quốc hội về chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 10-2018. Theo đó, đối với hai dự án đường sắt đô thị TP.HCM (tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương), căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư hai dự án.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng. Năm 2009, tư vấn chung của dự án tính toán và xác định lại tổng mức đầu tư hơn 47.300 tỉ đồng, tức tăng so với ban đầu gần 30.000 tỉ đồng. Đối với tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương, tổng mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi cập nhật, tính toán lại, tại thời điểm tháng 8-2017, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 48.771 tỉ đồng.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư hai đại dự án đường sắt TP.HCM đã tăng thêm ít nhất 52.000 tỉ đồng. Với số tiền lớn và một số khó khăn của dự án nên Chính phủ phải báo cáo Bộ Chính trị.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đến nay tổng khối lượng của tuyến metro số 1 mới đạt hơn 52%. Ảnh: HOÀNG GIANG

Liên quan đến dự án này, trước đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ liên quan và cam kết của TP.HCM. Chính phủ cũng giao Bộ GTVT quyết định theo thẩm quyền việc thành lập tổ chuyên gia với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan để thẩm định, bảo đảm chặt chẽ, đúng chính sách pháp luật về đầu tư, không để vi phạm xảy ra trong quá trình thẩm định. Sau khi thống nhất với Bộ KH&ĐT về nguồn vốn, Bộ GTVT hoàn thiện tờ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Trước đó, trả lời Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết bước đầu đơn vị đồng tình với giải trình của TP.HCM vì quá trình lập dự án ban đầu có một số hạng mục chưa phù hợp phải điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là nguyên nhân trượt giá, nguyên liệu cũng như nhiên liệu tăng giá… “Nguồn vốn thì nhà tài trợ sẵn sàng tài trợ nhưng phần vốn đối ứng phải bổ sung. Vốn đó phải đưa về kế hoạch trung hạn, khi được Quốc hội thông qua mới được bố trí tăng vốn để tiếp tục thực hiện dự án…” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

TP.HCM từng xin tự quyết hai dự án metro

Liên quan đến hai dự án metro, vào đầu tháng 6-2018, UBND TP.HCM ký văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, thành trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đến nay tổng khối lượng của tuyến metro số 1 mới đạt hơn 52%. Theo kế hoạch (đã điều chỉnh), đến năm 2020 tuyến metro này phải hoàn thành. Như vậy tổng khối lượng cho hơn một năm rưỡi còn lại là rất lớn (trong khi khối lượng 52% được thực hiện trong hơn tám năm trước đó). Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thành tòa nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương và đang trong giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng. Dự án có số km đi ngầm nhiều hơn với mức độ phức tạp về kỹ thuật cao hơn nên cần phải có sự điều hành quyết liệt, nhanh gọn…

“Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA tiếp tục chậm, phải qua nhiều tầng nấc, bộ ngành. TP không tự chủ, tự quyết được thì việc “lỗi hẹn” của tuyến metro số 1 là nằm trong khả năng” - lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm