Sẽ cấm xe máy lên bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà là cụm núi nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km thuộc quận Sơn Trà. Nơi đây có nhiều điểm tham quan thú vị, thu hút du khách. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến đường quanh bán đảo Sơn Trà khiến nhiều người lo lắng, trong đó có rất nhiều du khách lần đầu đến TP Đà Nẵng và muốn lên tham quan bán đảo này.

Đường dốc cao, cua gấp

Để đi đến các điểm tham quan, du khách có ba con đường lên núi, chủ yếu là một đường từ Bãi Bụt và hai nhánh lên từ đường Yết Kiêu. Mặc dù vậy, đi lên đường nào cũng phải qua nhiều đoạn có cua gấp, dốc cao. Rất nhiều đoạn có độ dốc 18%, có đoạn từ đồi Vọng Cảnh về sân bay trực thăng là 45%, đặc biệt dốc đi xuống điểm Hố Sâu lên đến 60%.

Một đoạn đường hư hỏng, ổ gà gần Đỉnh Bàn Cờ. Ảnh: HẢI HIẾU

Hướng dẫn viên Ngô Thái Linh, người thường xuyên đưa khách lên tham quan bán đảo Sơn Trà, cho biết anh luôn khuyên du khách không chở nhiều người hoặc hàng hóa vì đi đường dốc, cua gấp nên rất nguy hiểm.

Theo ghi nhận của PV, các con đường trên núi Sơn Trà đã dốc còn nhỏ hẹp, đáng chú ý là không có đường thoát hiểm. Nếu các xe gặp sự cố khi xuống dốc thì chỉ còn đường lao vào vách núi hoặc xuống vực.

Tại đoạn từ đỉnh Bàn Cờ về sân bay trực thăng có một con dốc dài, nơi đây đặt nhiều bàn thờ bên cạnh đường. Theo người dân địa phương nơi đây xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người trước đó.

Biển cảnh báo du khách không nên đi xe tay ga khi tham quan bán đảo Sơn Trà. Ảnh: HẢI HIẾU

Dự kiến cấm xe máy các đoạn nguy hiểm

Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay tại bán đảo Sơn Trà đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông làm bốn người chết (đều là nữ), ba người bị thương.

Theo ông Hải, thời gian qua ban quản lý đã bố trí một số biển cảnh báo, đồng thời tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng khuyến cáo người dân và du khách hạn chế sử dụng xe máy, đặc biệt là xe tay ga khi tham quan bán đảo Sơn Trà và nên đi cùng người đã có kinh nghiệm, am hiểu rõ các tuyến đường.

Thêm vào đó, ban quản lý cũng phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung và bố trí thêm hạ tầng giao thông như gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm, hộ lan mềm, gương cầu lồi… dọc các tuyến đường nhằm hạn chế tối đa các tai nạn thương tâm.

“Hiện ban quản lý đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan để hoàn thiện đề án quản lý khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà. Trong đó có việc cấm xe máy, yêu cầu du khách sử dụng xe trung chuyển khi tham quan tại bán đảo Sơn Trà” - ông Hải nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, cho rằng những vụ tai nạn ở các tuyến đường bao quanh bán đảo Sơn Trà là do người điều khiển xe tự gây ra. Phần nhiều là phụ nữ tay lái yếu, đi xe tay ga không làm chủ được tốc độ.

Theo ông Cường, rất nhiều tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà trước đây xây dựng để phục vụ cho mục đích quân sự. Nhiều đoạn đường bê tông có độ dốc cao, một số đoạn dễ sạt lở nên rất nguy hiểm cho người đi đường.

“Nhiều tuyến đường không phù hợp cho khách tự đi xe lên tham quan vì có độ dốc cao, rất nguy hiểm. Tôi nghĩ đơn vị làm du lịch phải có xe chuyên dụng riêng phục vụ cho khách tham quan hoặc các đoạn đường nguy hiểm cần cấm các phương tiện đi lên để giảm thiểu tai nạn giao thông. Còn nếu muốn để du khách tự đi thì phải cải tạo lại độ dốc các tuyến đường cho phù hợp” - ông Cường nêu giải pháp.

Đoạn từ đỉnh Bàn Cờ về Sân bay trực Thăng nhiều dốc cao kéo dài, nơi đây xảy ra nhiều vụ tai nạn và tập trung nhiều bàn thờ bên đường. Ảnh: HẢI HIẾU

Kinh nghiệm chạy xe trên đèo dốc, cua gấp

Chia sẻ kinh nghiệm khi đi trên đèo dốc, nhiều khúc cua gấp, chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng khuyên: Khi di chuyển đường đèo đừng quên việc phải đi theo tốc độ quy định. Tại những đường đèo có cua bên trái nên để biển báo cấm qua mặt. Tốc độ chỉ nên giữ vào khoảng 15-20 km/giờ. Đặc biệt khi vào cua không được cắt cua, tạt trước đầu ô tô vì không thấy phương tiện giao thông phía trước.

Nhiều người có thói quen khi xuống dốc liền tắt máy để xe chạy xuống tự nhiên. Tuy nhiên, khi tắt máy sẽ làm cho thắng bị giảm tác dụng. Xe trôi xuống dốc tương tự như thả chiếc vỏ xe, viên bi, quả bóng lăn tự do từ đỉnh dốc xuống chân dốc. Với trọng lượng xe và người ngồi trên xe càng lớn, quán tính càng lớn, do đó tốc độ trôi dốc ngày càng nhanh. Khi đó, độ bám đường giảm, xe không thể giảm tốc như ý muốn khi gặp khúc cua hay phải dừng lại. 

THY NHUNG ghi

_____________________________

Ngày 28-7, chị V. (Thanh Khê, Đà Nẵng) chạy xe tay ga chở theo con gái cùng mẹ chồng lên bán đảo Sơn Trà tham quan. Khi chị đổ đèo, xe máy của chị loạng choạng, ngã xuống đường khiến hai bà cháu tử vong, chị V. bị chấn thương nặng.

Trước đó, trưa 4-5, em Lê Minh S. (Nghệ An) cùng một bạn nữ khác đi xe tay ga lên tham quan đỉnh Bàn Cờ. Khi đổ dốc về trên tuyến đường bê tông đã đâm vào taluy khiến em S. tử vong, bạn gái đi cùng bị gãy tay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm