Sáu ngày nữa BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thu phí

Theo đó, mức phí thấp nhất là 35.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng. Việc thu phí này được Bộ GTVT chấp thuận, để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới và nâng cấp mở rộng quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100 theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới bắt đầu thu phí dịch vụ.

Theo Bộ GTVT, sau ba tháng kể từ ngày bắt đầu thu giá, trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định được doanh thu thực tế, nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án để báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết tổng thể.

Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu phải giám sát chặt doanh thu của nhà đầu tư. Sau ba tháng kể từ ngày bắt đầu tư thu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư đánh giá khả năng hoàn vốn dự án của trạm thu giá này, làm cơ sở để xây dựng các phương án hoàn vốn cho dự án kịp thời theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 có tổng chiều dài 65 km. Trong đó, hợp phần quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40 km, bề rộng nền đường 12 m với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng. Dự án do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Được biết dự án này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng nhà đầu tư chưa thể thực hiện việc thu phí. Nguyên nhân, người dân TP Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Sông Công, Phổ Yên cũng như từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... phản đối việc đầu tư trên đường cũ để thu phí, kể cả có giảm phí cho một số đối tượng do họ đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm.

Liên quan đến dự án này, trước đó Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, chỉ ra các sai phạm trong việc ký kết hợp đồng, lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt hai trạm thu phí tại hai nơi không hợp lý...

 Các dự án BOT bị dân phản ứng, xử lý thế nào?

Trước đó, trả lời báo chí liên quan đến một số dự án mà địa phương có văn bản đề nghị Bộ GTVT dỡ trạm hoặc chuyển vị trí trạm thu giá như ở BOT quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nhất là BOT Cai Lậy... Bộ GTVT xử lý tình huống này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết mỗi dự án BOT có bảy bộ, ngành chịu trách nhiệm xem xét, rà soát, tham gia cùng với địa phương để thực hiện. Khi hoàn thành, các bên liên quan đều phải có trách nhiệm. Việc một số trạm BOT "nóng"  phải có trách nhiệm của địa phương chứ không chỉ Bộ GTVT. Một số địa phương có đề xuất liên quan các trạm BOT, Bộ GTVT không đủ thẩm quyền để giải quyết vì Bộ GTVT là một trong các bên. "Nên vấn đề này, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, báo cáo cấp trên để xem xét và đưa ra kết luận cuối cùng"- Bộ trưởng GTVT cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm