Phó thủ tướng yêu cầu giải quyết phức tạp trạm thu phí

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc giải quyết các vấn đề phức tạp tại các trạm thu phí. Văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) và Ban Thư ký biên tập Thông tấn xã Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến tổ chức thu phí tại một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các địa phương và chủ đầu tư liên quan rà soát việc đặt trạm thu phí và mức thu (kể cả các dự án chưa tổ chức thu), có giải pháp xử lý thích hợp, kịp thời, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan để không phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp.

Nhiều trạm thu phí thời gian qua gặp sự phản ứng của người dân về mức phí. Ảnh: VIẾT LONG

Liên quan đến giá phí, ngày 19-9, tại cuộc làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với lãnh đạo TP Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đã kiến nghị Chính phủ xem xét việc xóa bỏ hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 (cũ) nối Hà Nội-Hải Phòng. Theo ông Thanh, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Hải Phòng phản ánh đang gặp nhiều khó khăn; có tới 30%-50% phương tiện dừng hoạt động, trả phù hiệu để không phải nộp các khoản phí. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Thanh nói có việc chi phí vận tải đường bộ quá cao. Cụ thể, một chuyến hàng container từ Hải Phòng đến Hà Nội có chi phí đường bộ là 3,6 triệu đồng, đường sắt là 2,8 triệu đồng, hàng không là 2,6 triệu đồng. “Giá đi đường bộ quá cao do phí chồng lên phí. Với phí BOT hiện nay, mỗi tấn hàng từ Hải Phòng chuyển lên Hà Nội có chi phí trên 30.000 đồng” - ông Thanh nói.

 • Ngày 3-10, nguồn tin từ tỉnh Đồng Tháp cho biết UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát lại tất cả dự án BOT giao thông trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở Tư pháp và UBND các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười rà soát, xem xét cơ sở pháp lý, nội dung hợp đồng tất cả dự án BOT giao thông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời báo cáo và đề xuất UBND tỉnh về việc rút ngắn thời gian thu phí dự án.

Đối với các dự án đang và chuẩn bị triển khai, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan theo dõi tình hình triển khai dự án; kịp thời báo cáo những vấn đề bất cập; giám sát lưu lượng xe thực tế để tính toán thời gian thu phí và giá thu phí hợp lý. Giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu tỉnh thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đề xuất chấn chỉnh công tác thu phí BOT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm