Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Sớm gỡ vướng cho metro số 1

Sáng 29-6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp đi kiểm tra công trường dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Đi cùng Phó Thủ tướng có Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Kiến nghị giải quyết một số vướng mắc

Đầu tiên, đoàn thị sát tới ga Công nghệ cao, quận 9 (đối diện Khu công nghệ cao, quận 9). Tại đây, đoàn thị sát đã đi tham quan khu vực bán vé, hành lang lối lên xuống, khu vực tàu dừng đỗ và đón khách.

Tiếp đến, đoàn di chuyển về ga Ba Son, một trong ba ga ngầm của tuyến metro số 1. Sau đó, đoàn thị sát đi dọc đường tàu về ga Nhà hát TP.

Nói về vướng mắc của tuyến metro số 1, Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) kiến nghị Chính phủ chấp thuận giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chưa giải ngân cho dự án bằng tiền yen Nhật (17,81 4 tỉ yen) và được quy đổi ra tiền VND theo từng thời điểm thanh toán. Từ đó làm cơ sở để bố trí bổ sung kế hoạch vốn năm 2020, theo đúng số liệu đề xuất của Bộ Tài chính.

MAUR kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH&ĐT xem xét, phân bổ tiếp vốn ODA cấp phát trong hạn mức vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa giao là 3.676,695 tỉ đồng.

Trong trường hợp giải ngân hết số vốn đã giao (3.676,695 tỉ đồng) nhưng chưa hết số vốn ODA cấp phát là 17,814 tỉ yen Nhật (tạm tính tương đương 3.758 tỉ đồng, tỉ giá quy đổi 1 JPY = 211 VND do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố tháng 6), UBND TP sẽ đề xuất Bộ KH&ĐT bổ sung trung hạn để bố trí tiếp kế hoạch vốn trong năm 2020 cho dự án.

Việc hướng dẫn, xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương của dự án có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân trong khoảng sáu tháng còn lại của năm 2020.

Trong trường hợp giải ngân không hết số vốn dự kiến bố trí trong năm 2020, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, hỗ trợ TP. Cụ thể là hỗ trợ TP thực hiện thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để giải ngân cho dự án.

MAUR cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn TP thủ tục hoàn ứng ngân sách mà TP đã tạm ứng trước đó; đồng thời, xem xét, thẩm định hồ sơ cho vay vốn lại đối với dự án để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung vốn còn lại.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (thứ ba từ phải) cùng các lãnh đạo TP.HCM thị sát tuyến metro số 1 sáng 29-6. Ảnh: ĐÀO TRANG

Do dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến thủ tục nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại dự án, MAUR kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế đặc biệt cho việc nhập cảnh của các chuyên gia.

Cụ thể, đối với các chuyên gia đã được quốc gia cư trú xác định âm tính và được phép xuất cảnh, việc cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế sẽ được thực hiện tại nơi cư trú của chuyên gia gần công trường.

Việc cách ly này được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan y tế chuyên môn tại địa bàn, song song với quá trình làm việc, giám sát thi công, lắp đặt… của chuyên gia qua các công cụ trực tuyến. Sau khi hoàn tất cách ly 14 ngày, chuyên gia sẽ sẵn sàng thực hiện công việc tại công trường.

Giải quyết cho metro số 1 là rất cần thiết

Nhận định về kiến nghị của MAUR, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng tỉ lệ giải ngân vốn ODA của TP.HCM chiếm tỉ lệ lớn nhất.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phải điều chỉnh tổng mức nguồn vốn đầu tư công, tăng tổng mức đầu tư ODA lên. Dù tăng ODA nhưng nguồn giải ngân lại rất thấp nên việc này cũng cần được giải quyết.

Một vướng mắc nữa cần tháo gỡ là giải quyết cho chuyên gia quay trở lại Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này cũng cần giải quyết ngay.

“TP.HCM cần chủ động để các nhà đầu tư quay trở lại Việt Nam. Các chuyên gia có thể tự cách ly tại cơ sở sản xuất” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Vướng mắc tiếp theo là đồng tiền yen hay VND, Phó Thủ tướng cho biết Văn phòng Chính phủ đã có công văn trả lời và xác định tổng số tiền như TP đã nêu là tiền yen. Hiệp định vay là tiền yen và sau này trả lại cũng là tiền yen.

Về nguồn vốn tạm ứng, Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng cần cố gắng trong đầu tháng 7 trả lại nguồn vốn mà TP đã tạm ứng.

Phó Thủ tướng đánh giá việc giải quyết cho dự án metro số 1 là rất cần thiết và TP cũng đã có sự cấp thiết để thúc đẩy cho dự án này. Dự kiến dự án chạy thử kỹ thuật vào tháng 10-2020.

Quyết liệt triển khai metro 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng những vướng mắc của metro số 1 làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng của TP.

“Sắp tới, chúng tôi mong muốn các đồng chí giúp cho TP đẩy nhanh tiến độ để vận hành thương mại vào cuối năm 2021” - ông Phong nói.

Đối với tuyến metro số 2, công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng đã triển khai rất thuận lợi, cố gắng hoàn thành sớm. Hiện các đơn vị chức năng đang tập trung hoàn chỉnh để sau năm 2021 sẽ khởi công tuyến metro số 2.

“Khâu giải phóng mặt bằng năm 2017 giá khác nhưng đến nay giá đã khác rồi, chúng ta xác định không thể làm tăng tổng mức đầu tư, sẽ trình HĐND để tái cơ cấu. Metro số 2 hiện đang triển khai, điều hành quyết liệt” - ông Phong nhấn mạnh.

Bốn gói thầu của dự án

Dự án tuyến metro số 1 gồm bốn gói thầu, đến nay toàn dự án đã hoàn thành gần 74% tiến độ.

Trong đó, gói thầu CP1a đoạn ngầm ga Bến Thành đến Nhà hát TP đã đạt gần 71%.

Gói thầu CP1b đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son đã hoàn thành gần 85%.

Gói thầu CP2 đã thi công xong cầu cạn phần dầm u lắp ghép và dầm 3 nhịp liên tục (còn lại dầm nhịp dẫn); đã hợp long hết các cầu đặc biệt (5/5 cầu).

Gói thầu CP3, nhà thầu đang sản xuất chế tạo một số hạng mục như cột/dầm OCS, bộ phận của đầu máy toa xe, tà vẹt,... và đang lắp đặt ray, hàn ray.

Các gói thầu nói trên đều dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Gói thầu số CP4 là hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng. Dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật và tổ chức đấu thầu trong năm 2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm