Nhiều quy định mới trong dự luật giao thông đường bộ

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Trong đó có nhiều hành vi cấm được luật hóa từ các nghị định, thông tư và cập nhập một số quy định của Công ước giao thông đường bộ, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968).

Nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Đáng chú ý, trong dự luật, Bộ GTVT đưa vào quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia (luật hiện hành chỉ cấm tiệt hành vi uống rượu bia đối với tài xế ô tô). “Quy định này bổ sung vào dự luật nhằm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia” - Bộ GTVT giải thích.

Cạnh đó, dự luật cũng quy định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại di động; quay, lùi xe ngược chiều trên cao tốc; ném gạch, đá vào người hoặc phương tiện tham gia giao thông.

Về quy tắc giao thông, dự luật bổ sung quy định người lái xe phải nhường đường cho những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương như người đi bộ, xe đạp, trẻ em, người già, người khuyết tật. Không để phương tiện gây tiếng ồn, bụi, khói và phải thắt dây an toàn tại những chỗ ngồi có trang bị dây an toàn.

Khoản 10 Điều 18 của dự luật quy định khi điều khiển xe (trong điều kiện mặt đường khô ráo), người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước. Khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế.

Cụ thể, tốc độ lưu hành 60-80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 80 m; tốc độ lưu hành 80-100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 m; tốc độ lưu hành 100-120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 120 m.

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng đưa vào quy định chi tiết về tốc độ tối đa của phương tiện khi lưu thông trên đường (đang triển khai ở Thông tư 31/2019 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ), căn cứ vào từng loại đường, loại xe, mật độ giao thông… Đồng thời, quy định người điều khiển phương tiện không được giảm tốc độ đột ngột trừ khi vì những lý do an toàn.

“Dự luật lần này quy định trường hợp phương tiện được sử dụng để thế chấp tài sản và giấy đăng ký xe đang do tổ chức tín dụng giữ, người lái xe được sử dụng bản sao (chứng thực) giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực…” - Bộ GTVT cho hay.

Khoản 9 Điều 18 của dự luật quy định tốc độ tối đa cho các phương tiện tham gia giao thông. Đồ họa: VÕ NGUYÊN

Cần cân nhắc khi luật hóa

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng lần này Bộ GTVT luật hóa cụ thể nhiều quy định đang nằm ở các nghị định, thông tư. Việc xây dựng như trên là xu hướng chung nhằm giảm tình trạng luật khung, luật ống. Tuy nhiên, không phải quy định nào trong nghị định, thông tư cũng có thể đưa vào trong luật mà cần có đánh giá, tổng kết cân nhắc phù hợp.

Theo ông Quyền, những quy định nào đã thực hiện ổn định và có đánh giá, tổng kết mới đưa vào luật và ngược lại. Bởi nhiều quy định văn bản dưới luật chỉ phù hợp với từng giai đoạn nhất định.

Ví dụ, lần này Bộ GTVT đưa vào dự luật quy định về tốc độ xe trong Thông tư 31/2019 là chưa phù hợp. Vì quy định tốc độ tối đa cho các phương tiện tham gia giao thông hiện hành chỉ phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, người dân hai bên đường…

Ông Quyền cũng cho rằng trong quá trình phát triển xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông, ý thức chấp hành của người dân được nâng lên thì tốc độ tối đa của phương tiện giao thông cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp.

“Cạnh đó, việc điều chỉnh tốc độ còn phụ thuộc vào từng vùng, miền, thậm chí còn phụ thuộc ý chí chủ quan của từng lãnh đạo. Vì vậy, việc quy định chi tiết tốc độ trong luật là không cần thiết bởi luật có tính ổn định lâu dài, lúc muốn điều chỉnh cho phù hợp rất khó. Do vậy, chúng ta chỉ nên chuyển quy định này thành nghị định, chứ không nên đưa vào luật…” - ông Quyền phân tích.

Luật hiện hành đã bộc lộ bất cập

Theo Bộ GTVT, Luật Giao thông đường bộ 2008 sau nhiều năm đã bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, bộ đề xuất luật hóa quy định cấm người lái xe ô tô sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe, quy định phải thắt dây an toàn tại các vị trí có dây trên xe ô tô...

Cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ phân loại loại hình kinh doanh vận tải chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ. Điều này gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau. Quy định hiện nay chưa đề cập đầy đủ trách nhiệm của người lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa, trách nhiệm của chủ phương tiện…

Bằng A0 cho xe dưới 50 cm3

Một điểm đáng chú ý trong dự luật lần này là việc Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy có dung tích xylanh dưới 50 cm3. Theo đó, người điều khiển xe máy có dung tích xylanh dưới 50 cm3 phải đủ 16 tuổi và phải được cấp bằng lái xe hạng A0.

“Theo nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đa số học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện đi lại (chiếm 52%). Tuy nhiên, tỉ lệ tai nạn giao thông với học sinh liên quan đến phương tiện này ở mức rất cao (chiếm 90% các vụ tai nạn liên quan tới trẻ em trong ba năm gần đây). Quy định trên sẽ giảm số lượng các vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết, người bị thương,…” - Bộ GTVT nhận định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm