Nhiều lo ngại xung quanh dự án BOT Bình Triệu 2

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay nhiều dự án mở rộng, cải tạo đường nằm trong hợp phần của dự án BOT Bình Triệu 2 như Ung Văn Khiêm, ngã năm Đài liệt sĩ… (quận Bình Thạnh) đang trong tình trạng quá tải. Nếu các dự án này chậm trễ thì tình hình giao thông khu vực sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều hạng mục chưa thi công

Lý giải thêm, ông Lâm cho hay tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - tuyến đường xương sống đang luôn trong tình trạng quá tải. Để giải quyết tình trạng này thì cần mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30 m, xây dựng nút giao Đài liệt sĩ. Những dự án này nằm trong hợp phần của dự án BOT Bình Triệu 2, tuy nhiên trong quá trình triển khai thì có chủ trương của Quốc hội là tất cả dự án BOT không nằm trên đường cũ, cầu tạm. Theo đó, Sở GTVT TP đã tiến hành rà soát lại để báo cáo TP và hiện đang chờ quyết định của TP.

Theo ghi nhận, cầu Bình Triệu hiện hữu luôn phải gồng mình gánh hàng ngàn phương tiện di chuyển vào mỗi giờ cao điểm. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, các phương tiện phải rồng rắn xếp hàng mới lách qua được cầu.

Chưa kể hàng loạt tuyến đường như Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13, ngã năm Đài liệt sĩ cũng lâm vào tình cảnh bế tắc tương tự.

Theo Sở GTVT, năm 2018, UBND TP và Công ty CII đã ký kết hợp đồng BOT về dự án cầu đường Bình Triệu 2 giai đoạn hai. Trong đó, các tiểu dự án trong phần một giai đoạn hai gồm: Hoàn trả chi phí đầu tư toàn bộ các hạng mục mà Cienco 5 đã triển khai thực hiện trước đây (xây dựng mới cầu Bình Triệu 2, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh Bến xe Miền Đông); sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ. Hai tiểu dự án này đã được đầu tư thực hiện.

Ba hạng mục công trình trong phần hai giai đoạn hai chưa thực hiện gồm: Mở rộng đường Ung Văn Khiêm với quy mô mặt cắt ngang sáu làn xe (rộng 30 m); xây dựng nút giao thông Đài liệt sĩ, hầm chui theo hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13; xây dựng mới đoạn đường Chu Văn An kết nối với nút giao Đài liệt sĩ, mở rộng các đường nhánh thuộc phạm vi nút và mở rộng cầu Ông Dầu hiện hữu (xây dựng mới hai cầu bên cạnh cầu cũ), tổng vốn đầu tư là 2.293,203 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) là 1.364,760 tỉ đồng do UBND quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh thực hiện với kinh phí do nhà đầu tư ứng và được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

Công ty CII đã hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu cũ, đưa vào khai thác và hoàn thành thu phí từ năm 2015. Hiện nay trạm thu phí đang tạm dừng do các giai đoạn sau chưa triển khai, chưa đủ điều kiện thu tiếp.

Trong hợp đồng BOT giai đoạn hai, CII sẽ đặt trạm thu hoàn vốn đầu tư ở khu vực cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Triệu 2 hiện hữu để tổ chức thu phí hoàn vốn cho ba hạng mục công trình trong phần hai giai đoạn hai.

Ùn tắc giao thông trên cầu Bình Triệu vào giờ cao điểm. Ảnh: Đ.TRANG

Không đảm bảo công bằng cho người dân

Sở GTVT cho biết các khoản mục mà nhà đầu tư chưa thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký kết là ứng bồi thường GPMB và chi phí đầu tư mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây dựng nút giao thông Đài liệt sĩ, mở rộng đơn nguyên còn lại của cầu Ông Dầu.

Theo đó, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT đã ký và thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ không đúng chủ trương nghị quyết Quốc hội. Lý do là dự án này đầu tư trên các tuyến đường hiện hữu; vị trí trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hiện hữu không đảm bảo công bằng cho người tham gia giao thông.

CII cho biết theo quy định của hợp đồng BOT đã ký, khi xảy ra điều kiện bất khả kháng làm cho công tác tổ chức thu phí để hoàn vốn cho dự án không thể thực hiện được, UBND TP phải trả cho công ty này các khoản chi phí đầu tư và lợi nhuận. Công ty CII đề nghị TP.HCM có ý kiến nhằm hạn chế phát sinh việc ngân sách TP phải hoàn trả chi phí đầu tư và lợi nhuận. 

Theo Sở GTVT, không đảm bảo công bằng ở chỗ các phương tiện không lưu thông trên đường Ung Văn Khiêm vẫn phải trả phí khi đi qua cầu Bình Triệu và ngược lại, khi lưu thông qua đường Ung Văn Khiêm và nút giao thông Đài liệt sĩ mà không qua trạm sẽ không phải trả phí. Trường hợp dịch chuyển trạm về trong phạm vi dự án sẽ không khả thi do không có mặt bằng trống đặt trạm.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, GPMB hiện nay đã chậm so với tiến độ yêu cầu và theo báo cáo của UBND quận Bình Thạnh, có khả năng tiếp tục chậm so với dự kiến quý I-2020. Thời gian kéo dài do chậm thực hiện công tác bồi thường, GPMB sẽ phát sinh thêm lãi vay (của phần vốn ứng bồi thường, GPMB), kéo dài thời gian thu hoàn vốn đầu tư.

Sở GTVT TP.HCM cho hay hiện ý kiến của các sở, ngành liên quan đến việc thực hiện hợp đồng BOT đã ký còn khác nhau. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ phát sinh các hệ quả tiêu cực. Do đó, sở kiến nghị UBND TP chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành và UBND quận Bình Thạnh, Thủ Đức để xem xét, chỉ đạo hoặc giao Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo đề xuất tổ công tác đầu tư xem xét.

Kiến nghị CII tạm ứng kinh phí

Theo lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh, dự án BOT Bình Triệu 2 đã có nhiều năm nay nhưng vẫn chưa triển khai được. Dự án này cũng đã hoãn xong lại tiếp tục, nay lại có nguy cơ dừng lại. Trường hợp nếu dừng thực hiện hợp đồng BOT sẽ làm tăng chi phí bồi thường, GPMB và phát sinh tình hình bất ổn trong nhân dân, tổn hại uy tín của TP và quận.

Trên cơ sở đó, UBND quận kiến nghị: Công ty CII tạm ứng kinh phí để tiếp tục hoàn tất công tác bồi thường, GPMB để tránh những phát sinh như trên; trường hợp TP chấm dứt hạng mục chưa đầu tư thuộc hợp đồng BOT đã ký kết, UBND TP chấp thuận chủ trương tạm ứng vốn từ ngân sách để quận kịp thời chi trả bồi thường, GPMB theo tiến độ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm