Nhiều hãng xe đã báo hết vé tết

Mặc dù còn khoảng ba tuần nữa mới đến tết nhưng nhiều hành khách đang chạy khắp nơi để tìm vé về quê ăn tết, đặc biệt là vé giường nằm. Ghi nhận của PV, vào những ngày cao điểm từ 25 đến 28 tháng Chạp, hầu như vé xe của các hãng đã bán hết sạch.

Vé giường nằm khan hiếm

Tại Bến xe Miền Đông không có tình trạng chen lấn như những năm trước. Các quầy vé chặng ngắn về các tỉnh Ninh Thuận, Nha Trang, Phú Yên và khu vực Tây Nguyên có đông người mua hơn quầy vé về các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, một số hãng xe về Tây Nguyên cũng đã báo hết vé.

Cụ thể, tuyến TP.HCM - Gia Lai của nhà xe Trường Thành đã báo hết vé giường nằm từ ngày 25 đến 29 tháng Chạp. Trong khi đó, nhà xe Gia Phúc thì tăng gần gấp đôi giá vé từ 330.000 đồng giường nằm lên 528.000 đồng; giá vé ghế ngồi từ 250.000 đồng lên 350.000 đồng.

Đối với giá vé về Quảng Ngãi của nhà xe Sáu Bản lại tăng giá theo từng ngày. Cụ thể, giá vé giường nằm thường ngày là 550.000 đồng, ngày 28 là 850.000 đồng và ngày 29 tháng Chạp là 900.000 đồng. Tuy nhiên, vé giường nằm khá khan hiếm, nhiều gia đình muốn đi xe giường nằm về quê thì phải chia ra đi nhiều xe khác nhau khiến họ rất ngao ngán.

Nhà xe Phúc Thiện Thảo cũng đã dán thông báo ngưng bán vé tết về các tỉnh miền Trung vì đã hết vé.

Theo ghi nhận của PV, tại các quầy vé ủy thác chỉ lác đác người mua. Theo một số hành khách, giá vé ở quầy vé ủy thác chênh lệch hơn so với những hãng xe chất lượng cao và chủ yếu chỉ còn vé ngồi.

“Vé về Đà Nẵng ở các hãng có giá khoảng 600.000 đồng nhưng giá vé ở quầy vé ủy thác đưa ra là 800.000 đồng và chỉ còn vé ngồi. Không còn vé nằm nữa nên tôi đành mua vé từ quầy vé ủy thác” - anh Nguyễn Văn Quang, một hành khách tới mua vé cho biết.

Một đơn vị vận tải cho biết năm nay số hành khách đặt chỗ nhiều nên hiện hãng phải chạy đôn chạy đáo tìm xe để thuê. Đặc biệt, vé giường nằm được ưa chuộng nên giá thuê xe cũng cao. Ngoài ra, hãng phải tính toán thêm nhiều phương án dự phòng nhằm đáp ứng được lượng vé đã bán ra.

Nhiều quầy vé tại Bến xe Miền Đông đã dán bảng thông báo hết vé. Ảnh nhỏ: Tại các quầy vé ở Bến xe Miền Đông chỉ có lác đác hành khách tới mua vé. Ảnh: ĐÀO TRANG

Nỗ lực đáp ứng nhu cầu

Theo đại diện Bến xe Miền Đông, hành khách có xu hướng tìm vé xe thương hiệu, dẫn đến tình trạng xe thương hiệu thì hết nhưng kho vé của bến thì vẫn còn nhiều. Nói về việc giá vé xe ủy thác cao hơn giá vé các hãng, đại diện Bến xe Miền Đông cho rằng các vé bán ra vào những ngày cao điểm nên giá vé được tăng lên 60% so với ngày thường. Đồng thời, toàn bộ xe tăng cường và xe bến thuê đều là xe chất lượng cao, do đó hành khách hoàn toàn yên tâm lựa chọn.

72 quầy vé đã thông báo hết vé tính đến ngày 3-1. Ngoài ra, một số chặng về Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung cũng đã cháy vé và hết vé giường nằm. 

Cũng theo đại diện Bến xe Miền Đông, năm nay các doanh nghiệp vận tải đăng ký hơn 417.000 vé phục vụ trước đợt cao điểm tết. Trong đó, vé giường nằm đã chiếm 314.000 vé. Hiện số vé còn lại của các đơn vị vận tải là 167.496 vé (hơn 84.000 vé giường nằm và hơn 83.000 vé ngồi).

Còn tại Bến xe Miền Tây, vị đại diện bến cho biết bến xe chủ yếu phục vụ những chặng gần và cao điểm rơi vào 10 ngày trước tết. Hiện bến đã chuẩn bị hơn 2.300 xe, với hơn 75.000 chỗ ngồi. Các đơn vị vận tải cũng đã cung cấp thêm 9.000 chỗ ngồi nên sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách. Giá vé tại Bến xe Miền Tây tăng không quá 40% và chỉ áp dụng cho sáu ngày trước tết và hai ngày sau tết.

Tuy đảm bảo về số lượng xe để phục vụ hành khách nhưng lãnh đạo Bến xe Miền Tây lại lo ngại tình trạng ùn tắc khu vực bến xe và cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào những ngày cao điểm. Do vậy, đơn vị đã kiến nghị Sở GTVT phối hợp với các cơ quan để tiến hành điều tiết, hạn chế ùn tắc giao thông.

Còn hơn 700.000 vé xe tết

Hiện vẫn còn khoảng 700.000 vé xe, trong đó vé giường nằm vẫn còn hơn 400.000 vé nhưng chủ yếu là vé về miền Bắc, miền Trung và rơi vào những ngày không phải cao điểm.

Về kế hoạch phục vụ giao thông dịp tết, ông Lâm cũng thừa nhận hiện nay tình trạng xe hợp đồng, xe khách hoạt động bên ngoài bến còn nhiều, song lực lượng chức năng gặp khó khăn trong quá trình xử lý. Ông Lâm lấy ví dụ đường Điện Biên Phủ đã có biển cấm dừng, đỗ nhưng trên thực tế các xe vẫn dừng, đỗ. “Trách nhiệm xử lý các trường hợp dừng, đỗ không đúng nơi quy định là của lực lượng thanh tra giao thông, CSGT, công an các quận, huyện.

Ông TRẦN QUANG LÂM, Giám đốc Sở GTVT TP TP.HCM

Tăng cường kiểm tra việc đón, trả khách

Thanh tra sở sẽ tăng cường kiểm tra các tuyến xe cố định vào dịp cuối năm. Ngoài ra, các tuyến xe cố định phải niêm yết giá vé đầy đủ và phải có sự kiểm soát của bến xe, Sở Tài chính.

Nói về vấn đề xử lý các xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định, ông Khánh cho rằng xe hợp đồng là thỏa thuận giữa nhà xe và hành khách. Do vậy, việc dừng đỗ, đón khách cũng được thể hiện qua hợp đồng. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra thì nhà xe đều đưa ra hợp đồng, vì vậy khó kiểm soát được giá vé. Trước thực trạng trên, lực lượng thanh tra sẽ tăng cường kiểm tra việc đón trả khách không đúng nơi quy định để tránh tình trạng ùn tắc giao thông vào những ngày cao điểm tết.

Ông TRẦN QUỐC KHÁNHChánh Thanh tra giao thông,  Sở GTVT TP.HCM

2.400 xe tăng cường tại các bến xe liên tỉnh

TP cung cấp hơn một triệu vé tết về tất cả vùng miền. Hiện nay, ngoài việc các hãng xe đang bổ sung phương tiện thì ngành giao thông TP còn dự phòng 2.400 phù hiệu xe chạy tuyến cố định cho các phương tiện tăng cường, giải tỏa khách tại các bến xe liên tỉnh. Ngoài ra, sở cũng sẽ điều động xe buýt hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Ông ĐỖ NGỌC HẢITrưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ,
Sở GTVT TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm