Nhiều điểm nghẽn giao thông phía Nam

Bộ GTVT vừa hoàn thành và lấy ý kiến về đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức.

Bộ cho biết hiện nay trên hành lang Bắc – Nam vận tải đường sắt, đường biển đều kém cạnh tranh so với vận tải đường bộ. Những ga bốc xếp hàng hoá ở Hà Nội (Yên Viên, Giáp Bát) và TP Hồ Chí Minh (Sóng Thần) đều có diện tích kho bãi nhỏ, dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Các ga trung gian hầu như chưa có ga nào có thể tiếp nhận và xử lý container. Việc kết nối dịch vụ của đường sắt cũng còn nhiều hạn chế.

Hiện nay đường bộ đang chịu áp lực vì các phương thức vận tải phát triển chưa đồng bộ. Ảnh: Internet

Trên hành lang Cần Thơ - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu cũng kém phát triển. Cụ thể, cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải dù được đầu tư hạ tầng hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng chưa phát huy hiệu quả vì liên quan rất nhiều đến giao thông kết nối. Cảng này cũng chưa có trung tâm logistics, các trung tâm sang tải để phục vụ vận tải, thúc đẩy dịch vụ hậu cảng. 

Tình trạng tắc nghẽn phương tiện và hàng hóa trên các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, khu vực cụm ICD Trường Thọ (Thủ Đức) vẫn diễn ra nghiêm trọng mặc dù nhiều giải pháp đang được triển khai. Vận tải đường bộ đến cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực tuyến kết nối. Tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải đến nay chỉ mới hoàn thành 90% giai đoạn một, dự án cầu Phước An Thành còn đang trong giai đoạn triển khai nên chưa kể kết nối thuận lợi với nguồn hàng hoá ở Đồng Nai.

Thị phần khối lượng vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,24%.

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải với vùng hậu phương đến nay chưa có nguồn vốn để triển khai. Điểm nghẽn Kênh Chợ Gạo vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng, cần tiếp tục nâng cấp giai đoạn II.

Về thị phần khối lượng vận tải, vận tải đường bộ liên tục tăng, năm 2017 chiếm 94,14%, trong khi vận tải đường thủy nội địa chiếm 4,51% và đang có xu hướng giảm, vận tải đường hàng không chiếm 1,11%, cuối cùng ngành vận tải đường sắt liên tục giảm, hiện tại chỉ chiếm 0,24%.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả vận tải, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu giai đoạn 2020 phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không.  Phấn đấu đến năm 2020 thị phần vận tải hàng hóa (liên tỉnh) đường bộ chiếm khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%, đường biển 8,85% và hàng không 0,04%;

Hoàn thành cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực vận tải. Phát triển đội ngũ các doanh nghiệp vận tải có quy mô phong phú, mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, trình độ nhân lực và mức độ ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp cao.

Đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành của vận tải hàng hóa là 9,1%/năm, vận tải hành khách là 10,7%/năm.

Định hướng đến năm 2025-2030 là nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đưa chi phí vận tải hàng hóa xuống còn khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm quốc nội, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống tương đương khoảng 15% GDP.

Tiếp tục nâng cao hoạt động vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics của Việt Nam…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm