Mong không còn những chuyến xe ‘cá mòi’ cuối năm…

Một năm có 365 ngày thì có 20 ngày được coi là sôi động nhất, hầu như mọi người đều căng mình ra hoạt động với cường độ và tốc độ cao nhất. Đó là 20 ngày dành riêng cho Tết.

Trước đó, Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp tiến hành tích trữ hàng hóa, các doanh nghiệp lo tiền thưởng Tết, người lao động lo mua vé tàu xe... Mọi người bươn bả về quê bằng mọi phương tiện có thể như máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe buýt và cả xe máy. Có những chuyến đi dài hàng ngàn cây số từ TP.HCM ra tận Tây Bắc, có những chuyến đi trong ngày từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây...

Ông Khuất Việt Hùng (bìa phải) giám sát công tác kiểm tra nồng độ cồn tại TP.HCM, khuya ngày 29-1. Ảnh: N.BÌNH

Trong cuộc di chuyển lớn thường niên, mỗi năm một lần đó chứa đựng không chỉ nỗi háo hức được gặp lại người thân mà còn cả âu lo làm sao được an bình, đi tới nơi về tới chốn. Sao không âu lo được vì những rủi ro rình rập trên đường đi có thể xuất hiện dù không ai mong muốn.

Năm nào cũng vậy, sau Tết, Bộ Y tế, Ban An toàn giao thông Quốc gia tổng kết hàng trăm người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Có lẽ vậy mà trước khi xuất hành, dù là người lao động ở nhà trọ hay người giàu có thì ai ai cũng thành tâm cầu mong thượng lộ bình an.

Bình an là ước nguyện lớn nhất của người dân Việt. Đêm 30, sáng mùng 1 Tết, bất cứ ai lên viếng chùa hay trước bàn thờ gia tiên đều có một nguyện vọng giống nhau, trước là cầu an, sau là cầu điều mình mong ước như cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên, cầu tự,... Ai chả mong “quốc thái, dân an”, mong một cuộc sống cho gia đình và bản thân dẫu chưa giàu nhưng an lành.

Vì thế, trong những ngày xuân mới này, xin các anh CSGT gương mẫu làm tròn chức trách để giữ cho các cung đường bình an; xin các nhân viên ngành chức năng đừng để xảy ra những sự cố đáng tiếc như quên hạ rào chắn đường tàu, nhồi nhét khách như cá mòi.

Còn các bác tài xế xe khách, xe tải, xe buýt, kể cả phi công lái máy bay cần vững vàng sau vô lăng, đừng cố giành đường vượt ẩu, đừng dính vào ma túy, rượu bia, đừng hạ cánh nhầm đường băng…; trước là để đưa bà con đi đến đích an toàn, sau là mình được trở về sum họp với gia đình.

Và cũng mong mọi người biết kiềm chế, đừng chạy xe máy khi đã quá chén và nhường nhịn nhau khi điều khiển phương tiện giao thông. Mỗi người có ý thức một chút để có được cái Tết an vui, đừng để nỗi ám ảnh giao thông đè nặng lên mỗi chúng ta. Tết là vui chứ không phải là mang đến thảm họa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm