Mini buýt phù hợp đường phố nhỏ Hà Nội và TP.HCM

Đặt vấn đề tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải nhấn mạnh phát triển giao thông công cộng là xu hướng tất yếu của đô thị văn minh và là chìa khóa để giải quyết bài toán ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trong các loại hình giao thông công cộng có loại hình mini buýt, tuy nhiên loại hình vận tải công cộng này có khả thi tại các đô thị của Việt Nam không, cần điều kiện gì, chuẩn bị thế nào, cần bước đi gì để phù hợp với điều kiện đô thị Việt Nam… Theo đó, ông Hải mong nhận được ý kiến phân tích, đóng góp của các chuyên gia để giải quyết bài toán giao thông cho các đô thị trong nước, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT, cho hay vận tải hành khách công cộng chủ yếu là sử dụng xe buýt thường, ngoài trừ một tuyến buýt đường sông đi vào hoạt động từ tháng 11-2017 tại TP.HCM và một tuyến buýt nhanh (BRT) hoạt động tại Hà Nội từ năm 2016.

Theo ông Chung, nội thành Hà Nội khu vực trong đường Vành đai 1 có đặc điểm đường phố hẹp với mặt cắt dưới 7 m chiếm trên 70%, tỷ lệ đường có khả năng lưu thông xe buýt khoảng gần 2.000km trên tổng số gần 4.000km toàn thành phố. Hiện có 1.546 xe buýt các loại đang vận hành khai thác, trong đó xe buýt loại vừa và lớn là 1.485 xe (chiếm 96%), loại nhỏ (24 chỗ) là 61 xe (chiếm 4%). Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP.HCM khi trong tổng số hơn 2.600 phương tiện đang hoạt động trên 144 tuyến, xe buýt loại nhỏ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%.

“Do đó, sử dụng buýt cỡ lớn trong các tuyến phố nhỏ, chật hẹp là không phù hợp, gây nên sự ùn tắc giao thông, vì vậy việc phát triển mini buýt (xe buýt nhỏ có sức chứa từ 16 chỗ trở xuống) nhằm kết nối tới những phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT hay metro trong tổng thể mạng lưới giao thông công cộng tại Hà Nội và TP.HCM là rất cần thiết” – ông Chung nói.

Ý kiến này nhận được sự tán đồng của đông đảo các chuyên gia tại hội thảo vì xe buýt nhỏ không chiếm diện tích đường lớn, đỡ cản trở các phương tiện khác trong không gian tuyến phố nhỏ hẹp, tần suất hoạt động lớn và đặc biệt nhiều nước trên thế giới đã thành công khi áp dụng loại hình mini buýt.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhỏ rất phù hợp để chuyên chở người tại các khu đô thị, khu tập thể hoặc các tuyến đường nhỏ. “Tại Hà Nội có gần 100 khu đô thị có thể sử dụng loại hình buýt này như: Times City, An Khánh, Ciputra, Việt Hưng, Văn Quán, Sài Đồng, Đặng Xá, Mỹ Đình, Pháp Vân - Tứ Hiệp.... Hay nhiều tuyến phố nội đô có lộ trình ngắn, đường hẹp cũng rất phù hợp để xe buýt nhỏ hoạt động như các khu phố cũ, phố cổ; các tuyến đường nhỏ như Nguyễn Huy Tưởng, Hạ Đình, Lương Thế Vinh, Chiến Thắng, Khương Trung, Phúc Diễn, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Nguyên Hồng, Thành Công, Trích Sài, các tuyến đường mới mở ven sông Lừ, Quảng An,...", ông Viện nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm