Metro đầu tiên của VN sắp được bàn giao cho TP Hà Nội

Sáng 6-3, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã kiểm tra thực địa dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Tại đây, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết hiện dự án đã hoàn thành trên 95% khối lượng công việc. 13/13 toa tàu đã được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam tập kết ở depot Yên Nghĩa và 80% thiết bị đã được nhập về để lắp đặt.

Đoàn kiểm tra thực địa dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, hiện các nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng tại hệ thống nhà ga để dự án có thể vận hành chạy thử vào tháng 9-2018.

Nói thêm về dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết sau khi dự án hoàn thành Bộ GTVT sẽ chuyển giao cho TP Hà Nội để khai thác thương mại: “Dự kiến dự án sẽ được đưa vào khai thác vào cuối năm 2018 và tổng thầu phải bảo hành đến năm 2021. Việc vận hành chậm hơn thời gian Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng 11 tháng. Nguyên nhân do hiệp định bổ sung vốn bị chậm…” - ông Đông giải thích.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Đông, tổng chiều dài dự án hơn 13 km, 12 ga và 1 depot đặt tại Yên Nghĩa. Depot này dự kiến sẽ dùng chung cho tuyến đường sắt đô thị kéo dài lên Xuân Mai.

Dự án Cát Linh - Hà Đông có thời gian thi  công lâu và gây nhiều bức xúc cho người dân thủ đô.

Còn theo ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án, đại diện chủ thầu, cho biết nguồn điện 220V sẽ được nâng lên 750V để chạy tàu; nâng lên 400V để vận hành các trang thiết bị trong ga.

Theo ông Đường Hồng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên đơn vị tham gia tại Việt Nam. Dự án triển khai cho đến ngày nay rất thuận lợi. Các thiết bị công nghệ khác như thang cuốn, thang máy đang được lắp đặt. Tổng thể thi công đã có chuyển biến rõ rệt.

Đại diện Tổng thầu Trung Quốc khẳng định vốn của dự án đến nay không còn khó khăn. Bởi hiệp định vay vốn bổ sung đã có hiệu lực. Tuy nhiên, khối lượng không thể làm cùng một lúc, đồng bộ; các nhà thầu còn cử ít người. Nên mục tiêu hoàn thành dự án, bàn giao cuối năm 2018 vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới đơn vị phải tập trung vào các hạng mục trọng điểm còn lại để bàn giao đúng tiến độ.

Đối với nguyên tắc vận hành, ông Đường Hồng cho rằng còn thiếu sự phối hợp giữa tổng thầu và các đơn vị, cơ quan chức năng. Khi mất điện, đơn vị vận hành phải đi làm việc với đơn vị cung cấp điện chứ không có đơn vị nào đứng ra làm thay.

Tổng thầu Trung Quốc đề xuất nên nghiệm thu từng phần để rút ngắn thời gian. Đồng thời phải lập những ban chuyên trách để dễ dàng trong công tác vận hành.

Phát biểu kết luận, ông Phan Xuân Dũng, đánh giá dự án Cát Linh - Hà Đông được dư luận, cử tri hết sức quan tâm. Vì đây là dự án này lớn, nhiều tiền, triển khai ngay ở thủ đô. Bên cạnh đó là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, khối lượng công việc vô cùng lớn và phức tạp.

Đến nay dự án đã hoàn thành trên 95% nhưng khối lượng công việc lớn, số còn lại không nhiều nhưng hầu hết là các hạng mục khó, mất nhiều thời gian. Vì vậy, Bộ GTVT, UBND Hà Nội phải phối hợp tốt với Tổng thầu để hoàn thành dự án đúng tiến độ đã báo cáo…

 

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 13 đoàn tàu, do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo.

Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79 m, trong đó toa đầu dài 20 m, toa giữa dài 19,5 m. Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/giờ, với sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác, ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, sau nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách mỗi hướng đi.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã bị lùi tiến độ ba lần nhưng đến nay vẫn bị chậm do thiếu vốn. Bộ GTVT vừa có chỉ đạo yêu cầu bằng mọi giá hoàn thành dự án trong năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm