Máy bay liên tục rách lốp là sự cố bình thường?

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra việc máy bay của các hãng hàng không Việt Nam gặp sự cố rách lốp, cán đinh, va phải vật thể lạ. Theo nhà chức trách hàng không đánh giá, vụ việc tuy chưa gây hậu quả nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Sự cố bình thường?

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 23-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Cảng vụ hàng không (CVHK) miền Bắc cho rằng máy bay bị rách lốp có nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể do lốp cao su bị lão hóa. “Sự cố này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà khá thường xuyên ở một số quốc gia khác. Nên đây là sự cố bình thường như chúng ta đi xe máy hoặc ô tô…” - vị này lý giải.

Bên cạnh đó, trọng tải máy bay lên tới hàng trăm tấn và có tốc độ cao khi cất/hạ cánh, chỉ sự tác động của một mảnh sắt nhỏ hoặc viên sỏi cũng có thể gây ra vết rách trên lốp máy bay. Sự việc này không chỉ xảy ra với sân bay Nội Bài. Bởi ngoài các đường băng dài 3-4 km còn có diện tích mặt đất, có thể những vật nhỏ bị gió thổi vào.

Ngoài ra, mỗi ngày sân bay Nội Bài có trên 500 chuyến bay đi và đến, với 32 hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác. Nên có thể nguyên nhân rách lốp xuất phát từ điểm đi hoặc điểm đến. “Với các sự cố trên, chúng tôi đều phối hợp với các đơn vị liên quan và sân bay để kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, hiện chưa phát hiện vật ngoại lai (FOD) nên chúng tôi đánh giá đây là những sự cố chưa ảnh hưởng đến an toàn bay…” - lãnh đạo CVHK miền Bắc thông tin.

Về công tác đảm bảo an toàn khu bay, lãnh đạo CVHK miền Bắc cho rằng vấn đề an ninh, an toàn hàng không luôn luôn được đảm bảo tuyệt đối. Riêng khu vực đường cất/hạ cánh, lực lượng chức năng kiểm tra hằng ngày, định kỳ theo quy định, đồng thời theo dõi thường xuyên bởi hệ thống camera giám sát.

Một số phi công dòng máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus 350, có kinh nghiệm hơn 10.000 giờ bay cũng cho rằng các vật thể lạ cắt lốp không hiếm và gặp khá nhiều trong quá trình cất/hạ cánh. Trong trường hợp máy bay hạ cánh bị vật thể lạ cắt lốp, máy bay vẫn hạ cánh bình thường. Tuy nhiên, để thực hiện chuyến bay kế tiếp thì máy bay cần phải được thay lốp mới.

Đường lăn sân bay Nội Bài bị xuống cấp đang được khắc phục. Ảnh: CTV

Máy bay liên tiếp bị rách lốp

Trước đó, vào tháng 9-2019, thợ máy của Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện một lốp máy bay A321 số đăng ký VNA 614 của hãng này bị một vết rách khoảng 2 cm. Máy bay này đã thực hiện chuyến bay VN503 từ sân bay quốc tế Bạch Vân (Quảng Châu, Trung Quốc) về Tân Sơn Nhất. Để đảm bảo an toàn, Vietnam Airlines phải tạm dừng khai thác máy bay này để thay lốp.

Ngăn tình trạng chiếu tia laser

Sau vụ việc một số máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài bị chiếu tia laser, suýt đâm phải vật thể lạ (nghi flycam), lãnh đạo CVHK miền Bắc cho biết Thủ tướng đã họp và có chỉ đạo. “Theo đó, sau khi tiếp nhận các sự việc trên từ các tổ bay của hãng, đơn vị sẽ chuyển cho các đơn vị liên quan để phối hợp xử lý theo thẩm quyền” - vị này khẳng định.

___________________________________

Liên quan đến vật thể lạ quanh khu vực sân bay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tạm thời ban hành chỉ thị cấm các phương tiện bay không người lái hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận trong phạm vi 8 km tính từ ranh giới cảng hàng không, sân bay trở ra. 

Tiếp đó, ngày 5-10, máy bay B787 số hiệu VN-A863 của Vietnam Airlines từ Sydney (Úc) về Hà Nội, khi hạ cánh tại Nội Bài, thợ máy phát hiện lốp số sáu bị một chiếc đinh dài 0,5 cm găm vào. Máy bay cũng đã phải thay lốp để tiếp tục thực hiện chuyến bay tiếp theo. Cũng trong tháng 10, máy bay A350-889 số hiệu chuyến bay VN303 từ Nhật Bản về TP.HCM phát hiện lốp số bảy càng sau bên phải bị vết cắt dài 2,5 cm, sâu 1,3 cm.

Mới đây, vào chiều 16-12, máy bay A350 của Vietnam Airlines chặng bay Narita - Hà Nội khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài suýt va phải vật thể lạ (nghi flycam) bay ngược chiều.

Đầu tháng 12, qua hệ thống camera trực giám sát khu bay Nội Bài nghi ngờ có vật thể lạ (FOD) gần tim đường cất/hạ cánh 11L/29R. Sau đó Trung tâm khai thác khu bay đã phối hợp với Phòng An toàn kiểm soát chất lượng, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đi kiểm tra thực tế. Qua đó phát hiện một miếng kim loại nghi là linh kiện của máy bay gần tim đường cất/hạ cánh 11L/29R.

Phải chặn ngay nguy cơ uy hiếp  an toàn hàng không

Những năm qua, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Dù vậy, hàng không Việt Nam chưa để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người, đó là điều cần được ghi nhận.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, sự cố hàng không bắt đầu tăng cấp. Cụ thể, trong năm 2018, máy bay hãng VietJet bị rụng hai bánh khi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, sự cố máy bay của VietJet và Vietnam Airlines hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh.

Sang năm 2019, hàng không tiếp tục đối diện với các vụ uy hiếp an toàn bay. Điển hình gần đây, máy bay của hãng VietJet và T’way Air (Hàn Quốc) khi hạ cánh xuống sân bay thì phát hiện bị móp mũi che radar (không có dấu hiệu va đập chim trời, nghi đụng flycam).

Nhận định đây là sự cố nghiêm trọng, đầu tháng 11, Thủ tướng gửi công điện yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT triển khai các giải pháp, phương án quản lý vùng trời khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay phòng ngừa, ứng phó với phương tiện bay không người lái uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

Tuy nhiên, chiều 16-12, máy bay của Vietnam Airlines chặng bay Narita - Hà Nội khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài lại suýt va phải vật thể lạ (nghi flycam) bay ngược chiều, cách bên trái thân máy bay khoảng 100 m. Đặc biệt, gần đây báo chí cũng liên tục đưa những thông tin máy bay bị găm đinh vào lốp, rách lốp, hay bị chiếu tia laser khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Rõ ràng, những sự cố trên đa phần do con người. Cụ thể, ở đây là do sự quản lý chưa chặt chẽ đến từ chính quyền địa phương quanh khu vực sân bay, hay nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng không thực hiện theo danh mục kiểm tra khi bảo dưỡng máy bay trước khi đưa vào khai thác…

Vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, cần phải nhắc lại yêu cầu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, đó là: “An ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ sống còn, là bộ phận quan trọng đặc biệt trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội. Đây là nhiệm vụ của tất cả cơ quan chức năng, các ngành, địa phương có liên quan chứ không phải của riêng đơn vị nào”.

Và trước nhu cầu đi lại người dân bằng đường hàng không tăng cao dịp tết, nhà chức trách hàng không cũng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý những trường hợp uy hiếp an toàn bay như thời gian qua. Đồng thời, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngoài ra, phải nêu cao văn hóa an toàn hàng không trong toàn ngành. Trong đó cần thực hiện nguyên tắc của ngành bấy lâu, đó là “không tự mãn, chủ quan, không thỏa hiệp về an toàn hàng không vì bất kỳ lý do gì…”.

PHÚ PHONG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm