Lý do người dân TP.HCM đi xe buýt ngày càng ít

HĐND TP.HCM vừa có buổi khảo sát tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020. Tham dự buổi khảo sát có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cùng các đại biểu HDND TP.

Tại buổi khảo sát, đại diện Sở GTVT báo cáo: Tính đến tháng 8-2019, TP có 137 tuyến xe buýt (99 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá). Hiện TP có 2.322 xe buýt (453 xe sử dụng nhiên liệu CNG, còn lại là dùng dầu diesel).

Từ năm 2014, khối lượng vận chuyển xe buýt bắt đầu giảm. Tuy nhiên, từ năm 2018, hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) lại chuyển biến theo xu hướng tích cực.

Từ năm 2018, hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM  chuyển biến theo xu hướng tích cực - Ảnh TRUNG HIẾU

Dù vậy, theo Sở GTVT, hiện VTHKCC chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị ở TP. Theo kế hoạch đến 2020 khối lượng VTHKCC phải đáp ứng được 15%-20% nhu cầu giao thông đô thị TP. TP đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển VTHKCC để đạt được kế hoach đề ra.

Hiện các phương tiện cá nhân trở nên phổ biến ở TP, dẫn đến tình trạng gia tăng mật độ lưu thông trên đường, tác động đến chất lượng dịch vụ xe buýt cũng như nhu cầu sử dụng giao thông công cộng ngày càng suy giảm.

Chưa kể hệ thống bến bãi còn hạn chế; chính sách thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng còn chưa nhiều, dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án bến bãi theo hình thức hợp tác công tư (PPP) còn chậm.

Theo đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành, quận - huyện tiếp tục phối hợp, góp ý hoàn thiện Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Đồng thời, quan tâm để bố trí đủ kinh phí trợ giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP. UBND TP xem xét, thông qua chủ trương thực hiện các dự án, giải pháp phát triển VTHKCC bằng xe buýt thuộc “Chương trình chống ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2021-2025”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm