Lý do dừng một số gói thầu cao tốc Bến Lức - Long Thành

Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xác nhận đơn vị vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM, Đồng Nai). Hiện Chính phủ và các bên liên quan đang họp để giải quyết vấn đề này.

Lác đác công nhân thi công

Theo ghi nhận của PV, tại dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn thuộc gói thầu dự án đi qua huyện Long Thành và Nhơn Trạch những ngày qua khá vắng vẻ, chỉ lác đác vài công nhân làm việc. Khu vực  nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nối quốc lộ 51 (huyện Long Thành) thì chỉ thấy công nhân dùng vòi nước tưới mặt đường và xe lu mặt đường. Thỉnh thoảng một số xe đầu kéo đến khu vực đổ dầm bê tông đưa cầu dầm đi. Còn qua khu vực rừng cây phòng hộ ngập mặn thì có khoảng 10 công nhân kỹ thuật công trường tiến hành chuẩn bị đóng dầm khu vực qua rạch nước.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (chủ đầu tư dự án), đến thời điểm này việc thi công các gói thầu xây lắp (A5, A6 và A7) đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã chậm hơn nửa năm so với tiến độ cam kết ban đầu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai trên địa bàn hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành dài hơn 27 km thuộc các gói thầu từ A5, A6, A7. Để thực hiện dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai, địa phương thu hồi 197 ha đất của hơn 1.220 hộ dân. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng của dự án đi qua tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư.

Anh Nguyễn Quốc Thái (Tiền Giang) đánh giá tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã khởi công từ nhiều năm nay, tuyến đường này rất được người dân kỳ vọng. Bởi khi tuyến đường này đi vào hoạt động thì sẽ rút ngắn khoảng cách từ miền Tây đi miền Đông Nam bộ, thay vì phải di chuyển vào trung tâm TP như hiện nay.

Chị Trần Thị Bình (ngụ Cần Giờ, TP.HCM) cho biết Cần Giờ là một điểm du lịch tiềm năng của TP.HCM. Tuy nhiên, do giao thông đi lại khó khăn nên hiện nay du lịch vẫn chưa thể phát triển. Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ là cầu nối để phát triển du lịch huyện này.

Dự án đang chậm so với tiến độ cam kết ban đầu. Ảnh: VŨ HỘI

Dự án đạt được gần 80%

Theo VEC, hiện nay khối lượng toàn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đạt được gần 80%, tuy nhiên công trình đang bị đình trệ. Nguyên nhân là do đơn vị không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp đường cao tốc.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công từ tháng 7-2014 với tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng (tương đương 1,6 tỉ USD). Dự án có chiều dài 57,7 km, đi qua các tỉnh Long An 5,49 km (gồm huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc), đi qua TP. HCM gần 25 km (gồm các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) và đi qua tỉnh Đồng Nai 27,285 km (gồm huyện Nhơn Trạch và Long Thành).

Đây là công trình quan trọng, nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giao thông giữa các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng. 

Trước tình hình trên, VEC đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cụ thể, một nhà thầu tư vấn giám sát đã tính chi phí phát sinh ở gói thầu J1 và J3, theo đó chi phí phát sinh khoảng 70 triệu USD.

Vì vậy, ngân sách phải bồi thường cho nhà thầu gói J1 - xây dựng cầu Bình Khánh (bắc qua sông Soài Rạp nối Nhà Bè và Cần Giờ) và gói thầu J3 - xây dựng cầu Phước Khánh (bắc qua sông Lòng Tàu nối Cần Giờ - TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) số tiền 70 triệu USD do chi phí kéo dài thời gian hợp đồng và chi phí chờ đợi của nhà thầu (vì chưa được cấp vốn thi công).

Hiện nhà thầu gói J3 dừng thi công từ ngày 20-9-2019 và gói thầu J1 dừng thi công từ ngày 28-10-2019. Nguyên nhân, VEC không bố trí được nguồn vốn trả cho nhà thầu theo hợp đồng.

Để giảm thiểu tối đa các rủi ro về pháp lý và nguy cơ thiệt hại kinh tế nhà nước, VEC kiến nghị phương án tạm dừng thi công tất cả gói thầu do JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ.

VEC cũng kiến nghị tạm dừng hợp đồng thi công các gói thầu do Ngân hàng ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) tài trợ, trong trường hợp các thủ tục pháp lý thực hiện dự án chưa tháo gỡ được các vướng mắc và các nhà thầu không còn nguồn lực.

Liên quan đến kiến nghị này, lãnh đạo VEC cho biết sau khi đơn vị gửi kiến nghị, các bộ, ngành liên quan đã họp bàn. VEC cũng đang chờ Chính phủ có chỉ đạo.

Theo VEC, thời gian tới nếu nguồn vốn được bố trí, giải phóng mặt bằng thuận lợi thì dự kiến năm 2022 cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đi vào hoạt động.

Dự án chậm tiến độ sẽ bị đội vốn cao, thiệt hại lớn

tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối khu vực ĐBSCL đến cảng Cái Mép - Thị Vải, khu vực Đông Nam bộ. Tuyến cao tốc này sẽ tiếp tục nối tiếp ra phía Bắc, nối thẳng ra quốc lộ 1 nên sẽ tạo sự kết nối giữa các vùng.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sau khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các tuyến đường nội đô TP như Nguyễn Văn Linh. Nếu tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành tiếp tục bị chậm thì nhiều tuyến đường ở TP.HCM sẽ bị kẹt xe, ảnh hưởng đến sự phát triển của TP, cả vùng phía Nam bao gồm ĐBSCL.

Vì vậy, nhà đầu tư, chuyên gia cần tính toán kỹ hơn về việc chậm tiến độ này, nếu dự án tiếp tục chậm thì đội vốn càng cao, hàng hóa bị tồn đọng ngày càng nhiều, thiệt hại cũng sẽ càng nhiều hơn.

Tác hại của việc chậm tiến độ rất nguy hiểm, vì vậy cần hết sức cảnh giác về vấn đề này, đừng để hở một chút là dừng thi công. Theo đó, chủ đầu tư các đơn vị thi công cần cảnh giác, cần có kỷ luật, quyết tâm về tiến độ thì dự án mới đảm bảo được.

TS Võ Kim Cươngnguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm