Lo dự án metro số 1 chậm tiến độ vì COVID-19

Đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết theo kế hoạch, tàu metro số 1 sẽ về tới Việt Nam trong tháng 4-2020.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tàu chưa thể đưa về Việt Nam đúng như kế hoạch. Do đó, tiến độ của toàn dự án metro số 1 cũng có khả năng bị ảnh hưởng.

Đã thử tàu metro lần cuối tại Nhật

Cụ thể, MAUR cho hay trong những ngày đầu tháng 4, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật đoàn tàu metro số 1 tại Nhật Bản. Công đoạn này phải được kiểm tra kỹ và chạy thử lần cuối trước khi vận chuyển đoàn tàu về Việt Nam.

Về kỹ thuật: Đoàn tàu gồm ba toa với tổng chiều dài 61,5 m. Tốc độ tối đa thiết kế 110 km/giờ (đoạn trên cao), 80 km/giờ (đoạn hầm). Đoàn tàu có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng. Trong tương lai, đoàn tàu này sẽ nối thành sáu toa.

Tại Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, MAUR cùng nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục cần thiết cho công tác đón đoàn tàu về.

Theo đó, tại các depot (nơi đón tàu) đã được thực hiện việc lắp mái, dựng tôn vách các tòa nhà xưởng chính, nhà tiện bánh xe… Mục đích bảo vệ đoàn tàu khi đưa về depot cũng như đảm bảo công tác bảo quản, kiểm tra hoàn thiện tốt nhất trước khi đưa vào vận hành.

Đường ray tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐÀO TRANG

Chuyên gia và đoàn tàu chưa thể về Việt Nam

Các công tác chuẩn bị dù đã hoàn tất nhưng do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, theo quy định của chính phủ Nhật Bản (nơi sản xuất đoàn tàu) và quy định của chính phủ Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản tạm thời chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Các chuyên gia này đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật sẽ đi cùng các đoàn tàu. Vì vậy, các đoàn tàu metro số 1 cũng chưa thể vận chuyển về Việt Nam trong thời điểm này.

“MAUR cùng nhà thầu Hitachi đang tìm các giải pháp tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam trong quý II-2020” - đại diện MAUR cho biết.

Hiện nay, toàn tuyến metro số 1 vẫn đang thi công bình thường và chủ yếu sử dụng các nguyên vật liệu nhập về nước từ trước dịch COVID-19.

Một khó khăn tiếp theo ảnh hưởng tiến độ dự án là về nguyên liệu. Nếu dịch bệnh kéo dài, các nguyên vật liệu sẽ không thể nhập được về Việt Nam dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu để thi công.

Trong khi đó, các nguyên vật liệu chủ yếu nhập từ Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức, Ý. Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn từ nước ngoài cũng không thể nhập cảnh vào Việt Nam trong thời điểm này. Từ đó, công tác tư vấn cho dự án cũng đang bị gián đoạn.

Hiện ban quản lý dự án đã có văn bản kiến nghị với UBND TP cho phép các chuyên gia này được vào Việt Nam nhưng cũng còn phải phụ thuộc vào các nước sở tại.

Theo đại diện MAUR, dịch COVID-19 khiến dự án bị động, dẫn đến vướng mắc và có khả năng ảnh hưởng tiến độ.

“Dù vậy, sau khi hết dịch, tàu metro sẽ được nhập về Việt Nam. Đồng thời, các nguyên vật liệu và chuyên gia cũng sẽ về Việt Nam. Đây cũng là lúc các đơn vị liên quan phải tăng toàn tốc lực để đưa metro số 1 về đúng tiến độ” - đại diện MAUR nhận định.

Lắp đặt đường ray đã đạt gần 83%

Đại diện MAUR cho hay các công tác chuẩn bị cho việc vận hành kỹ thuật đang được MAUR và các nhà thầu tiến hành khẩn trương thi công như nhà ga đón khách, khu bảo dưỡng tàu, khu rửa tàu, nhà điều hành... Đến nay, công tác xây dựng kết cấu cơ bản đã hoàn tất và công tác lắp đặt đường ray đạt 82,7%.

Đối với khu trên cao và nhà ga, các kỹ sư đã hoàn tất việc lắp ray tàu, hoàn thiện nhà ga cơ bản và chuẩn bị ốp gạch.

MAUR cho biết thêm, tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào vận hành kỹ thuật đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về depot Long Bình, quận 9 vào quý III-2020. Việc vận hành kỹ thuật được tiến hành trước tại đoạn Bình Thái - Long Bình vì trung tâm điều độ được đặt tại Long Bình. Ngoài ra, khi vận hành, tàu sẽ được điều động từ depot Long Bình nên việc vận hành kỹ thuật sẽ luôn bắt đầu từ các đoạn gần depot trước.

Theo MAUR, thời gian tới các đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác lắp đặt tôn vách, đảm bảo thực hiện các công tác khác để chuẩn bị cho việc nhập đoàn tàu về Việt Nam. Sau đó, các nhà thầu sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống điện tại một số tòa nhà trong depot.

Không tham quan tại ga Nhà hát TP

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR, cho biết hiện tại mặt bằng công viên ga Nhà hát TP đã hoàn trả sớm hơn dự kiến 17 ngày. Trước đó, MAUR có kế hoạch cho người dân tham quan tại ga Nhà hát TP. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh thì không thể tập trung đông người. Theo đó, MAUR sẽ lùi lịch tham quan ga Nhà hát TP cho tới khi hết dịch.

Ngày 13-4, MAUR cũng đã bàn giao hơn 2.000 m2 mặt bằng Công viên Lam Sơn trước Nhà hát TP. Hiện công viên đã được san lấp cát đến cao độ so với hiện trạng ban đầu là +2,3 và 207 m chiều dài bằng đá granit cho Trung tâm Quản lý hạ tầng (thuộc Sở Xây dựng) để thi công cải tạo công viên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm