Lấy ý kiến dân về giảm giá BOT trên quốc lộ 91

Ngày 29-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã làm việc với UBND TP Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang về phương án giảm giá đối với một số phương tiện trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang khi lưu thông qua hai trạm thu phí BOT trên quốc lộ 91 là trạm T1 (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), trạm T2 (đặt tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) và BOT quốc lộ 1A Cần Thơ-Phụng Hiệp.

Thống nhất giảm giá trạm T1, T2 đợt 2

Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết cuộc họp thống nhất sẽ giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với chủ đầu tư và địa phương họp với dân và các doanh nghiệp (DN) địa phương có phương tiện đi qua các trạm để bàn phương án giải quyết vào hôm nay (30-1).

PV Pháp Luật TP.HCMtrao đổi thêm với ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, ông Dũng cho biết: “Tại cuộc họp, đối với quốc lộ 91, nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ Đối tác công tư đã trình phương án giảm giá. Sau khi bàn luận, thứ trưởng Bộ GTVT và UBND TP Cần Thơ thống nhất quan điểm, phương án giảm giá với trạm T1. Còn trạm T2 thì ngày 30-1 sẽ tổ chức lấy ý kiến của người dân, tổ chức, DN để xem coi mức giảm đưa ra như vậy có phù hợp với nguyện vọng của người dân chưa”.

Ông Dũng cũng cho biết đối với trạm T1, TP Cần Thơ đề nghị giảm giá ba phường Phước Thới, Châu Văn Liêm và một phần của phường Thới Hòa của quận Ô Môn, số lượng xe là 722. Đối với đề xuất ở trạm T2, ông Dũng cho hay thông tin cụ thể sẽ được nêu ra tại cuộc họp dân vào hôm nay.

Các tài xế phản đối mức thu giá gây ùn tắc tại trạm T1 trên quốc lộ 91 ngày 13-1. Ảnh: CK

BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp: Chốt danh sách trước 3-2

Đối với trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp, ông Lê Tiến Dũng cho biết đã đề xuất Bộ GTVT xem xét giảm giá theo đề nghị của UBND TP Cần Thơ. Cụ thể, miễn 80%-90% cho phương tiện không kinh doanh dưới chín chỗ và xe tải nhỏ hơn một tấn hiện đang cư trú phường Ba Láng, phường Lê Bình, phường Thường Thạnh thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Trong đó, đề xuất giảm 50% cho 548 phương tiện, 100% cho 475 phương tiện.

Đối với xã Tân Phú Thạnh thuộc huyện Châu Thành A, Hậu Giang, đề xuất giảm 50% cho ô tô từ 10 chỗ và xe tải trên một tấn có kinh doanh ở địa phương nêu trên; giảm 50% đối với các tổ chức, cá nhân, DN có hợp đồng vận chuyển (trên ba tháng) có sử dụng quãng đường 3 km tính từ vị trí đặt trạm.

Cũng trong buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang, cho biết theo chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư đã thực hiện giảm giá đường bộ cho hơn 1.100 phương tiện và đã được triển khai từ ngày 1-9-2017. Cụ thể, tại trạm T1 giảm 108 xe thuộc phường Phước Thới và Châu Văn Liêm và 46 xe buýt. Trạm T2, hơn 1.000 xe thuộc TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang.

Sắp tới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục giảm theo đề xuất của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ cho tổng số hơn 2.000 phương tiện. Đồng thời nhà đầu tư cũng khẳng định không thể tiếp tục giảm hơn nữa vì như thế nhiều vấn đề bất cập sẽ xảy ra và đặc biệt là có khả năng dẫn đến thời gian thu phí sẽ kéo dài, dẫn đến tình trạng phương án tài chính sẽ bị phá vỡ. 

Đồng quan điểm với TP Cần Thơ, ông Lê Văn Năm, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, cũng đề nghị giảm thêm cho xã Tân Phú Thạnh gồm: 262 phương tiện giảm 100%, giảm 100% cho 282 xe chính chủ và dưới một tấn, 339 phương tiện thực hiện phương án giảm 50%. Đồng thời, ông Năm cũng cho biết thêm hiện tại địa phương đang có nhiều bất cập liên quan đến vấn đề xe chính chủ và không chính chủ trong việc xem xét đối tượng nằm trong diện miễn, giảm.

Sau khi nghe ý kiến các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thống nhất giao Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư và Vụ Đối tác công tư xem xét lại phương án tài chính theo đề xuất của TP Cần Thơ và Hậu Giang rồi trình Bộ GTVT để quyết định trước ngày 3-2.

Kiến nghị di dời trạm T2

Tại buổi làm việc trên, các nhà báo không được tham dự ngoài báo ngành. Theo báo Giao Thông, tại cuộc họp, ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, phát biểu người dân đa phần phản ứng về sự bất hợp lý trong việc đặt vị trí của trạm T2 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Đặc biệt, sau khi cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng thì chắc chắn nhiều vấn đề bất cập sẽ xảy ra. Trong đó, vấn đề an ninh trật tự sẽ không được đảm bảo. Do đó, ông Thức kiến nghị hai phương án: Một là cho di dời trạm, hai là làm tuyến tránh Long Xuyên để giảm áp lực cho trạm T2.

Đồng quan điểm với tỉnh An Giang, đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng vị trí đặt của trạm T2 là bất hợp lý và cần phải di dời.

Đối với kiến nghị di dời trạm T2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thông tin hiện tại Bộ đang tiến hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến tránh Long Xuyên. Khi tuyến tránh này hình thành thì trạm T2 sẽ không còn tác dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm