Không đồng thuận giảm tốc độ ở 10 tuyến đường

Đề xuất giảm tốc độ lưu thông các loại xe trên 10 tuyến đường của CSGT TP.HCM (PC67, Công an TP.HCM) đang gây chú ý của dư luận. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đa số chuyên gia, người dân, nhà quản lý không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Ông VÕ KHÁNH HƯNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM:

Có thể ảnh hưởng đến kinh tế

Ông VÕ KHÁNH HƯNGPhó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Việc nâng tốc độ ở khu vực TP.HCM 10-20 km/giờ trên tất cả tuyến đường nội đô, vùng ven và quốc lộ từ năm 2015 đến nay cho thấy hiệu quả kinh tế-xã hội rõ rệt. Cạnh đó, nỗ lực của ngành GTVT, các quận/huyện và sở/ngành liên quan đã giúp tai nạn giao thông (TNGT) tại TP.HCM liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Do đó, đề xuất giảm tốc độ của PC67 như thông tin trên báo chí những ngày qua cần được xem xét nghiêm túc, thận trọng, khoa học vì có thể sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội, giao thông của TP (thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ lâu hơn, xe lưu thông quá chậm dễ dẫn tới ùn tắc cục bộ…).

Thời gian qua, ngành GTVT thường xuyên kiểm tra, giám sát liên tục tình hình giao thông trên từng tuyến đường, khu vực của TP. Với những đoạn tuyến có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, Sở GTVT đã chủ động giảm tốc độ lưu thông, ví dụ khu vực cầu Phú Mỹ. Cạnh đó, áp dụng các giải pháp kỹ thuật như mở rộng lòng lề đường như ở quốc lộ 1, quốc lộ 13… để tăng an toàn giao thông thay vì giảm tốc độ.

Một chuyên viên Ban An toàn giao thông TP.HCM:

Tốc độ không là nguyên nhân chính làm tăng tai nạn

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, vi phạm tốc độ không phải là nguyên nhân chính, chiếm tỉ lệ cao trong việc gây ra và làm tăng TNGT. Các nguyên nhân chính gây ra và làm tăng TNGT là lưu thông không đúng phần đường, đổi hướng không đúng quy định, không chú ý quan sát, tránh vượt không đúng quy định… Do đó, ý kiến cho rằng giao thông TP phức tạp, TNGT tăng cao là do các tuyến đường được tăng tốc độ tối đa từ năm 2015 là thiếu cơ sở khoa học, không thuyết phục.

Đường Nguyễn Văn Linh từ cầu Ông Lớn đến Huỳnh Tấn Phát, xe tải, xe container đang chạy 60 km/giờ vừa được PC67 đề xuất giảm xuống còn 40 km/giờ. Ảnh: LƯU ĐỨC

Ông ĐINH NAM DINH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM:

Coi chừng tái xuất “núp lùm”, bắn tốc độ

Ông ĐINH NAM DINHPhó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Ý kiến cho rằng giao thông TP phức tạp, số vụ tai nạn tăng do tăng tốc độ tối đa là rất thiếu thuyết phục. Vì lẽ trong tình hình mật độ lưu thông ngày càng dày đặc trên nhiều tuyến đường, khu vực thì rất ít khi người, xe đi được đúng tốc độ cho phép, lấy đâu mà vi phạm về tốc độ để rồi gây tai nạn.

Thực tế chứng minh trên nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1 dù đã cho phép xe tải, xe container lưu thông 60 km/giờ nhưng dòng xe luôn rơi vào ùn ứ, tắc nghẽn. Nay nếu phải kéo giảm xuống 40 km/giờ thì tài xế có nước… bò trên đường. Tôi cũng lo ngại việc giảm tốc độ xe lưu thông sẽ làm tái xuất tình trạng “núp lùm”, bắn tốc độ, tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ.

PC67 cần có đánh giá khoa học, cung cấp số liệu cụ thể từng vụ TNGT ở từng điểm, tuyến đường, khu vực để đưa ra kết luận nguyên nhân tai nạn một cách chính xác, khách quan và thuyết phục nhất. Không thể chỉ dùng mệnh lệnh hành chính để giảm tốc độ trên 10 tuyến đường lớn ngay lập tức được. Cạnh đó, cần có quy định tốc độ lưu thông ở từng thời điểm (cao điểm, thấp điểm) để không ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông bình thường của người dân và vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Bạn đọc cũng không đồng tình

Giảm tốc độ để giảm TNGT là tư duy rất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của đất nước. TNGT không phải do tốc độ cao (60-80 km/giờ của Việt Nam đâu có cao hơn các nước khác) mà chủ yếu do ý thức kém của nhiều người đi đường. Chạy 60-80 km/giờ mà giữ khoảng cách an toàn với xe trước, đến giao lộ thì giảm tốc độ, quan sát, nhường đường cho nhau thì chẳng khi nào có tai nạn. Bỏ ra bao nhiêu tiền để làm đường tốt, rộng mà không cho chạy nhanh thì làm để làm gì?

NGUYỄN VĂN NAM, quận 12, TP.HCM

Cải tạo mở rộng, nâng cao chất lượng đường để cho giao thông nhanh và an toàn hơn là xu hướng phát triển của thế giới. Tìm cách giảm tốc độ đường nội đô là đi ngược xu hướng này. TNGT phần lớn từ sự chủ quan của người đi đường như uống rượu bia, không tuân thủ luật giao thông, phóng nhanh vượt ẩu... Vì vậy có hạ tốc độ mà ý thức giao thông vẫn kém thì chẳng kéo giảm được TNGT. Không nên lấy cớ này để tạo cơ hội nhũng nhiễu của CSGT.

ĐOÀN CHÍ CÔNG, quận 10, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm