‘Không có chuyện ưu đãi thuế cho Uber, Grab’

Các tranh chấp, mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và Grab, Uber đang diễn ra khá gay gắt mà đỉnh điểm là mấy ngày qua, nhiều taxi Vinasun đã dán khẩu hiệu phản đối loại hình này. Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ có chuyện trên là hiện cơ quan chức năng không quản được Grab, Uber, đồng thời loại hình này đang được ưu đãi về thuế.

Thực hư ra sao?

Khó nhận diện xe Uber, Grab vi phạm

Đại diện phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP Hà Nội cho biết hiện nay số lượng xe dưới chín chỗ hoạt động trên địa bàn Sở GTVT đều nắm được (vì Sở GTVT cấp phù hiệu). Tuy nhiên, số lượng xe tham gia thí điểm loại hình Uber, Grab thì đang dựa vào báo cáo của các đơn vị thí điểm.

Sở GTVT cũng đã kiến nghị Bộ GTVT cho dừng mở rộng công tác thí điểm trên địa bàn Hà Nội, không bổ sung các đơn vị và phương tiện tham gia thực hiện thí điểm.

Theo đại diện phòng Quản lý vận tải, việc quản lý xe Uber, Grab khó khăn nhất là việc nhận diện xe. Hiện nay các xe tham gia thí điểm thiết kế logo quá nhỏ, chỉ bằng nhãn đăng kiểm và vị trí đặt các logo cũng không hợp lý.

Vì vậy các đơn vị đang kiến nghị Bộ GTVT giao việc thiết kế logo cho địa phương. Theo đó Sở GTVT sẽ thiết kế logo có kích cỡ lớn hơn, rõ ràng, vị trí đặt hợp lý để dễ dàng nhận diện và xử lý xe vi phạm.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay đơn vị đang rà soát, đánh giá kết quả thí điểm Grab trên địa bàn TP. Qua đó Sở sẽ kiến nghị lên TP và Bộ GTVT có những quy định pháp luật rõ ràng quản lý hoạt động của xe hợp đồng nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Các xe taxi Vinasun đã không còn dán khẩu hiệu phản đối Grab và Uber. (Ảnh chụp chiều 10-10) Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện nay đề án thí điểm “taxi công nghệ” đã được triển khai tại 4/5 tỉnh, TP gồm Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Trong đó có 905 đơn vị vận tải (doanh nghiệp (DN), hợp tác xã vận tải) với 29.810 xe tham gia thí điểm.

Đối với một số kiến nghị của các sở GTVT về số lượng xe tăng cao phá vỡ quy hoạch taxi, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép các địa phương đã thí điểm. Khi lượng phương tiện xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới chín chỗ cho đến khi có đủ điều kiện.

Đang thu thuế đúng

Còn trước ý kiến cho rằng taxi truyền thống chịu thiệt thòi hơn Uber, Grab trong kinh doanh, nhất là khoản đóng thuế, đại diện Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho rằng nói taxi truyền thống phải chịu nhiều loại thuế, phí với mức chênh lệch khá xa so với Uber, Grab là chưa có cơ sở.

Hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT) với Uber, Grab là 3%, thuế thu nhập DN 2% trên doanh thu được hưởng. Với tổ chức ký hợp đồng vận tải với Uber, Grab có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế GTGT, thu nhập DN trên phần doanh thu được hưởng. Còn khi cá nhân ký hợp đồng vận tải với Uber, Grab, hai công ty này có trách nhiệm kê khai và thu hộ cơ quan thuế với mức thuế GTGT 3%, thu thuế thu nhập cá nhân 1,5% trên doanh thu được hưởng. Khoản tiền thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sao thì tính thuế thu nhập cá nhân với mức 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

Với taxi truyền thống, thuế GTGT đang áp dụng 10% nhưng phần thuế này được khấu trừ mức tương đương ở chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định... được khấu trừ thuế GTGT 10%).

Bộ Tài chính dẫn số liệu của ngành thuế tại địa bàn TP.HCM, trong số 10 DN có doanh thu lớn thì hai DN phát sinh số thuế GTGT còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế GTGT phải nộp (Công ty TNHH Du lịch Mai Linh; Công ty TNHH Du lịch Thành Bưởi). Một số DN khác có mức tỉ lệ nộp thuế GTGT/doanh thu dưới 3% (Công ty CP Gia Định, Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist, Hợp tác xã vận tải số 10).

Về thuế thu nhập DN, hầu hết các DN đều có mức tỉ lệ nộp thuế thu nhập DN/doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế thu nhập DN phải nộp, mức tỉ lệ nộp 0,01%-0,06%. Riêng Công ty TNHH Ánh Dương, mức tỉ lệ nộp thuế thu nhập DN là 1,97%/doanh thu (tương đương mức khoán của Uber).

Điều tra tài xế kích động dán khẩu hiệu

Liên quan đến việc các xe taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber trong những ngày qua, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, khẳng định công ty không có chủ trương này. Hiện nay công ty đang nhờ công an hỗ trợ điều tra một số tài xế, tổ chức kích động tài xế của công ty dán khẩu hiệu như vậy.

Bên cạnh đó, ông Hỷ mong Bộ GTVT xem xét, đưa ra quy định nghiêm ngặt hơn đối với các loại hình Uber, Grab. Các loại hình này cũng phải chịu những quy định như đối với taxi truyền thống thì mới có sự cạnh tranh công bằng.

H.TRÂM

Sợ đánh thuế trùng, không hợp lý

Bộ Tài chính khẳng định nội dung hướng dẫn nêu trên phù hợp với quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải đều phải kê khai, nộp thuế. Đối với từng tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu có nghĩa vụ nộp thuế trên phần doanh thu được chia theo thỏa thuận hợp tác. Thông tin cho rằng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất cao so với Grab, Uber là không đúng.

“Nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý. Bởi trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng” - Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Nghiên cứu từng điều kiện áp dụng cho từng hình thức kinh doanh

TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho biết: “Chúng ta nên làm rõ hai loại hình kinh doanh khác nhau này. Uber, Grab là loại hình hợp đồng vận tải; còn taxi truyền thống là loại hình kinh doanh vận tải taxi. Uber, Grab chỉ làm chiếc cầu nối giữa lái xe và khách hàng, đồng thời hiển thị số tiền, số kilomet điểm đi và điểm đến một cách rất rõ ràng. Trong khi đối với taxi, khách hàng sau khi ngồi lên xe và di chuyển mới biết được số tiền thực và số kilomet. Tôi cho rằng việc áp dụng cách tính thuế GTGT và thu nhập DN của hai loại hình này của Bộ Tài chính đưa ra là hợp lý, phù hợp với từng loại hình kinh doanh. Để giải quyết câu chuyện tranh cãi giữa taxi truyền thống và Uber, Grab thì Bộ GTVT cần làm rõ, nghiên cứu từng điều kiện áp dụng cho từng hình thức kinh doanh. Bản chất hai DN này đều kinh doanh liên quan đến vận tải. Việc ngành thuế truy thu Uber hơn 66 tỉ đồng là có cơ sở, nguyên tắc thuế thu nhập cá nhân là truy thu tận gốc. Ngành thuế không thể quản nổi từng tài xế Uber, do vậy Uber phải có trách nhiệm “thu” thuế thu nhập cá nhân từ đầu nguồn”.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận: “Tôi ủng hộ việc có một cơ chế hoạt động bình đẳng, công khai, minh bạch giữa Uber, Grab và taxi truyền thống. Trong cạnh tranh thì đương nhiên khó tránh khỏi có bên chịu thua thiệt. Ai đầu tư không đạt hiệu quả thì chấp nhận bị thiệt hại chứ cũng không nên than phiền, bàn cãi làm gì. Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện để các loại hình kinh doanh phát triển. Nhà nước chỉ làm vai trò kiến tạo và hãy để DN được tự do cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó ngành thuế cần tự nâng cấp bản thân, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, thu thuế và chống thất thu chứ không nên hoàn toàn phụ thuộc vào việc tự kê khai của DN”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm