Khơi thông nhiều tuyến đường huyết mạch ở quận 9

Trước thực trạng nhiều tuyến đường chính ở quận 9 (TP.HCM) chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, UBND quận 9 và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông) cho biết sẽ triển khai hàng loạt dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Đường nhỏ, xuống cấp, kẹt xe triền miên

Quận 9 đang có tốc độ phát triển đô thị cao, tuy nhiên hạ tầng giao thông nhiều năm nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn vào giờ cao điểm thì kẹt xe triền miên, vào mùa mưa thì ngập nặng, gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân khu vực này.

Đầu tiên là đường Lê Văn Việt, đây có thể xem là một trong những trục đường chính, quan trọng nhất tại quận 9. Tuy nhiên, do đường nhỏ hẹp, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra ở nút thắt cổ chai đoạn Lê Văn Việt - Đình Phong Phú.

Đường Lã Xuân Oai cũng là một trục đường chính kết nối với Khu công nghệ cao và đường Nguyễn Duy Trinh. Trục đường này có lượng xe lưu thông rất lớn, tuy nhiên cứ mưa là ngập bởi hệ thống thoát nước nhiều năm không được đầu tư.

Ngoài ra, còn một điểm kẹt xe nghiêm trọng, nỗi ám ảnh của người dân là khu vực cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu, nằm trên đường Lã Xuân Oai. Đường hiện hữu chỉ 6-8 m, song lưu lượng giao thông qua khu vực này rất lớn. Vào giờ cao điểm, các phương tiện phải mất hàng giờ mới có thể di chuyển qua cầu.

Còn tại một số tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Lò Lu… luôn có lượng lớn xe container, xe tải di chuyển vào cảng Phú Hữu, cảng Cát Lái - Tân Cảng. Tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ và mất an toàn giao thông.

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 9, dù các tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển… đã có quy hoạch nhưng hiện vẫn chưa được mở rộng. Các tuyến đường này luôn có lượng xe hoạt động với tần suất cao, nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông rất lớn. Từ đó gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Bài toán đặt ra hiện nay là phải phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của quận 9 và TP Thủ Đức trong tương lai” - vị này cho biết.

Giao thông hỗn loạn trên đường Lò Lu. Ảnh: ĐÀO TRANG

Sớm đầu tư nhiều dự án trọng điểm

Đại diện Phòng QLĐT thừa nhận phần lớn các tuyến đường trên địa bàn quận chưa được mở rộng cho phù hợp với quy hoạch.

Cụ thể, hiện nay mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn quận bao gồm 350 tuyến đường và hơn 1.000 tuyến hẻm, 140 dự án phát triển nhà ở đã và đang triển khai. Trong đó, chỉ có các trục đường chính trong Khu công nghệ cao đã được đầu tư, các tuyến đường còn lại mới chỉ có dự án hoặc có phương án giải phóng mặt bằng (GPMB). Bên cạnh đó, quận mới chỉ đầu tư mở rộng được một đoạn của đường Lê Văn Việt kết nối với đường Nguyễn Văn Tăng.

Còn theo đại diện UBND quận 9, trong giai đoạn 2016-2020, các tuyến đường huyết mạch quan trọng của TP đi qua địa bàn quận 9 đã được đầu tư, nâng cấp như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Võ Chí Công.

Doanh nghiệp xin đóng góp kinh phí

Công ty CP Phát triển Thành phố xanh, chủ đầu tư dự án khu dân cư và Công viên Phước Thiện, đề xuất đóng góp kinh phí phần xây lắp để nâng cấp, mở rộng quy mô lên 30 m đối với tuyến đường Phước Thiện - Nguyễn Xiển - đường 2. Trong đó, Nhà nước thực hiện phần bồi thường GPMB. Hiện tại UBND quận 9 đã báo cáo xin ý kiến Sở GTVT và sở cũng đã báo cáo xin ý kiến UBND TP. 

“Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2025 được coi là giai đoạn chuẩn bị bởi tất cả công trình trọng điểm đều được khởi công vào giai đoạn này. Đây là một trong những bước bắt đầu để xây dựng TP Thủ Đức trong tương lai. Trong giai đoạn này sẽ hoàn thành tuyến metro số 1, hoàn thành vành đai 2, vành đai 3, đề xuất mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây” - vị đại diện quận 9 cho biết.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, UBND quận 9 đã có những kiến nghị gửi UBND TP đề nghị sớm đầu tư nhiều dự án trọng điểm. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 cần đẩy nhanh và hoàn thiện dự án vành đai 2 kết nối từ Phú Hữu tới ngã tư Thành Thái, đáp ứng nhu cầu giao thông lớn và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên những trục đường chính trên địa bàn quận 9, quận 2.

“Khó khăn lớn nhất của dự án này vẫn là công tác GPMB. Khâu xác định giá chưa có cơ sở pháp lý để đưa ra giá đền bù, song UBND quận sẽ nỗ lực để đưa dự án hoạt động trong giai đoạn 2021-2025” - đại diện Phòng QLĐT nói.

Ngoài ra, trong năm 2020, dự kiến quận 9 sẽ khởi công nhiều công trình trọng điểm do quận làm chủ đầu tư. Trong đó, sẽ mở rộng tuyến đường Lã Xuân Oai, Lò Lu và A8… Cụ thể, đường Lã Xuân Oai sẽ mở rộng 6-8 m lên 30 m, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 (nếu không bị vướng mặt bằng); đường Lò Lu cũng sẽ mở rộng từ 6 m lên 16 m.

Đặc biệt, đường Nguyễn Duy Trinh sẽ khởi công, nâng cấp, mở rộng trong năm 2020. Trước đó, dự án này bị vướng và tạm thời dừng lại để rà soát cách thức đầu tư. Hiện nay chủ đầu tư và các quận đang thực hiện công tác GPMB, bàn giao ranh cho quận để triển khai bồi thường cho dự án.

Kiến nghị TP triển khai nhiều dự án trọng điểm

Theo UBND quận 9, quận đang rà soát để đề xuất đầu tư các công trình giao thông mới trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nguồn vốn quận dự kiến đầu tư cho 65 công trình với tổng mức đầu tư hơn 522 tỉ đồng, vốn ngân sách tập trung TP là 28 công trình với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng. Đơn cử là các tuyến đường trục chính như Nguyễn Văn Tăng, đường nối vành đai 3, đường Liên Phường nối dài, đường Long Thuận, cầu Đình. Riêng với dự án đường vành đai 3, quận kiến nghị TP sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8-10 làn xe (nay là bốn làn xe). “Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không đáp ứng nhu cầu liên tỉnh và khu vực. Do đó, việc mở rộng lên 8-10 làn xe sẽ giải tỏa áp lực giao thông, cũng như kết nối với vành đai 2 trong thời gian tới” - đại diện phòng QLĐT cho biết.

Bên cạnh đó, UBND quận 9 cũng kiến nghị Ban giao thông nghiên cứu phương án kết nối giao thông giữa đường Long Phước với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm phát triển khu vực phường Long Phước. Bởi khu vực này là nơi tập trung các trường đại học và Khu công nghệ cao. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm