Khảo sát cấm xe máy nội đô làm khách quan, chính xác

Sau thời gian nghiên cứu, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã cùng phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội soạn thảo đề án quản lý phương tiện GTVT trên địa bàn Hà Nội, trong đó có nội dung quan trọng là tiến tới dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội đô vào năm 2030. Vừa qua, phía Viện và Sở GTVT TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về đề án và mới đây nhất là phát phiếu khảo sát tới người dân để lấy ý kiến về đề án.

“Viện đã phối hợp với phía Sở GTVT, Công an TP Hà Nội thực hiện khảo sát này, phát phiếu đến từng hộ gia đình để phỏng vấn, có địa chỉ từng hộ gia đình trên các phiếu…” - ông Mười nói.

Theo ông Mười, các cơ quan khảo sát đã phối hợp với cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố phát hơn 16.000 phiếu khảo sát tới các hộ dân ở 30 quận/huyện của Hà Nội, kết quả thu về là hơn 15.400 phiếu. Đối tượng được khảo sát rất rộng, gồm cả người sử dụng lẫn không sử dụng xe máy; từ học sinh đến cán bộ, công nhân viên chức, lao động tự do; từ người có hộ khẩu đến người tạm trú…

“Kết quả khảo sát cho thấy có trên 90% số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và tiến tới dừng hoạt động xe máy. Tuy nhiên, người dân cũng yêu cầu phải nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại” - ông Mười thông tin.

Ông Mười khẳng định quá trình khảo sát làm rất tỉ mỉ, khách quan và minh bạch vì trên mỗi mẫu phiếu khảo sát có chữ ký của từng người được hỏi, cả tổ trưởng tổ dân phố và cảnh sát khu vực. “Với dự án này, chúng tôi không chọn đối tượng bất kỳ trên đường như các đề án khác mà có sự đầu tư và thông tin chính danh. Vì vậy tôi khẳng định kết quả khảo sát trên là chính xác, khách quan, minh bạch” - ông Mười nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mười, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát người dân…, đề án đã được chỉnh sửa lại. Cụ thể, ban đầu đề án đưa ra lộ trình dừng hoạt động xe máy tại nội đô vào năm 2025 nhưng sau đó sửa lại là triển khai vào năm 2030 - khi GTCC của Hà Nội đáp ứng 50%-55% nhu cầu đi lại của người dân (hiện nay GTCC của Hà Nội đáp ứng 14% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt là 8%-10%). “Quan điểm của đề án là chỉ dừng xe máy nội đô khi vận tải hành khách công cộng đã phát triển đến mức độ nhất định, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2030 các chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng mới phù hợp với nhịp độ và đáp ứng được việc có thể dừng xe máy. Đây là điều các chuyên gia cân nhắc, trao đổi rất nhiều và đã đi đến thống nhất” - ông Mười lý giải.

Cũng theo ông Mười, Hà Nội là TP trực thuộc trung ương đầu tiên làm đề án này, vì vậy các cơ quan soạn thảo đề án làm rất cẩn thận, khoa học. Tới đây Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng sẽ phối hợp với TP.HCM để triển khai một đề án tương tự như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm