Thiếu dự án kết nối TP.HCM với miền Tây - Bài cuối

Hiến kế phá thế độc đạo của quốc lộ 1

Nhiều ý kiến cho rằng với tình hình tắc nghẽn giao thông khắp nơi từ TP.HCM về miền Tây Nam bộ, qua đó rất cần các giải pháp cũng như sự vào cuộc của cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho hạ tầng giao thông khu vực.

Cần tăng tốc đầu tư cao tốc

• Trước mắt, chúng ta rất cần cao tốc trục TP.HCM - Cà Mau cho nhanh. Hiện nay về miền Tây, đường QL1 tắc nghẽn, thời gian lưu thông kéo dài ảnh hưởng đến kinh tế rất lớn.

Thời gian là vàng bạc, cứ chậm một chút là ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, làm đội giá thành lên. Trong miền Nam, kinh tế phát triển là chủ lực mà lại thiếu đường tốc độ cao như cao tốc, ta dễ nhận thấy trong miền Nam thì xe chờ đường, ngoài Bắc thì đường chờ xe. Xét một cách khách quan thì cũng nên đầu tư đồng bộ để phục vụ nhu cầu vận tải, nhu cầu đi lại của người dân, giảm bớt thời gian, giảm bớt thiệt hại về kinh tế.

Còn về đường thủy cũng nên phát triển nhưng cung đường Cần Thơ - Cà Mau thì thuận lợi, còn đoạn Tiền Giang - Vĩnh Long thì hiện nay chưa khai thác hiệu quả. Đơn giản vì muốn đi đường thủy thì hàng hóa từ trong kho, chợ phải vận chuyển tới các cảng, bến thủy nội địa, rồi xếp dỡ ở cả hai đầu… Chi phí đi đường thủy có thể đội lên 300.000 đồng một tấn nên nhiều chủ hàng không ưu tiên lắm tuyến này.

Ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Sơ đồ các tuyến cao tốc ở Việt Nam. Đồ họa: HỒ TRANG

• Hạ tầng giao thông kết nối là một trong những yếu tố tạo nên liên kết vùng, yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong khu vực Nam bộ. Đặc biệt, giao thông kết nối giữa TP.HCM và khu vực Tây Nam bộ có vai trò rất quan trọng và phải xem đây là khâu đột phá để phát triển.

Do đó tôi cho rằng về đường bộ phải hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ (bao gồm cả cầu Mỹ Thuận 2). Về hàng không phải đầu tư sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài 174 km.

ThS PHAN MINH TÂN, Công ty cổ phần Thiết kế vận tải
GTVT phía Nam (TEDIs)

Đang tập trung phát triển hạ tầng phía Nam

Đầu tư cho khu vực kết nối TP.HCM với Tây Nam bộ sẽ được thực hiện theo quy hoạch, các tuyến sẽ được đầu tư dần. Về các tuyến cao tốc sắp tới sẽ triển khai TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), nâng cấp tuyến N2 (dài 440 km) từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang) thành tuyến tiền cao tốc, đầu tư cao tốc Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cần Thơ - An Giang, hành lang ven biển…

Trong đó ưu tiên đầu tư tuyến N2: Hoàn thiện đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh đạt quy mô bốn làn xe phù hợp quy mô; đoạn Cao Lãnh - Rạch Sỏi đã đầu tư, đảm bảo khai thác đồng bộ trước năm 2025.

Nâng cấp mở rộng QL60, bố trí nguồn vốn đầu tư cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, cải tạo nâng cấp QL1 (đoạn Sóc Trăng - Hậu Giang, đoạn Cà Mau - Năm Căn, tuyến tránh TP Cà Mau)… Với các dự án tập trung như trên, thời gian tới sẽ là mạng lưới phù hợp cho khu vực này.

Có thể nói giai đoạn này là giai đoạn tập trung đầu tư phát triển cho hạ tầng phía Nam.

Ông LÊ ĐỖ MƯỜI, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và
Phát triển giao thông vận tải - Bộ GTVT

Xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường

Có thể nhận thấy rõ thời gian qua Nhà nước đầu tư vào hệ thống giao thông chưa có sự đồng đều. Phía Bắc thì cao tốc lại dày đặc, trong khi phía Nam lại rất hạn chế. Tôi đã nhiều lần đi Hà Nội - Lào Cai, tại đây đã được đầu tư cao tốc rất bài bản. Tuy đường rộng thênh thang nhưng lại không có bao nhiêu xe lưu thông, lâu lâu mới xuất hiện một chiếc xe.

Còn TP.HCM về ĐBSCL lưu lượng xe lại quá đông, ngày càng gia tăng nhưng ngoài cao tốc Trung Lương - TP.HCM (chỉ 40 km) thì chưa có con đường cao tốc nào khác. ĐBSCL được xem là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội nhưng ngặt một cái là hệ thống giao thông bị ách tắc, chưa được đầu tư khơi thông.

Ông NGUYỄN NGỌC XUÂN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang

Từ TP.HCM về Cà Mau chỉ có con đường thuận tiện duy nhất là quốc lộ (QL) 1 với thời gian trung bình khoảng 8 tiếng, còn kẹt xe là chịu trận vì không có đường thứ hai và phải mất đến 10 tiếng hoặc hơn nữa. Từ Hậu Giang về Cà Mau thì có thể đi ngã Quản Lộ - Phụng Hiệp nhưng tuyến này chưa được đầu tư, đường rất xấu nên cũng không thể chia lửa cho QL1 được bao nhiêu. Còn QL1 hiện chỉ mong chờ tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ sớm hoàn thành mới giảm kẹt xe được thôi.

Ông TRẦN VĂN TIẾN, chủ một hãng xe vận chuyển hàng hóa tuyến Cà Mau - TP.HCM

Trước đó ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT, giải trình trước Quốc hội (ngày 30-10-2019): Trong 5-10 năm tới, giao thông liên vùng ở ĐBSCL sẽ tốt hơn.

Tại khu vực Tây Nam bộ, ông Thể cho biết sẽ triển khai xây dựng ba trục dọc là: Cao tốc TP.HCM về Cần Thơ, kết nối với Cà Mau, các cầu Rạch Miễu, Đại Ngãi, đường nối Củ Chi đến Kiên Giang. Đồng thời Bộ GTVT cũng đang cho nghiên cứu dự án trục ngang như QL62, QL30, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trục ven biển phía tây ở Kiên Giang. Nơi đây cũng sẽ có cảng biển 100.000 tấn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm