Hiểm họa chết người từ cống và suối ở Biên Hòa

“Sáng nay lực lượng chức năng đã tìm được thi thể hai em Nguyễn Hoàng Minh Quân và Đỗ Xuân Kim (cùng 16 tuổi, học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh) bị nước mưa cuốn trôi mất tích tại dòng suối Bà Lúa (phường Long Bình Tân)”. Ngày 10-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Đào Văn Phú, Trưởng Công an phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa), cho biết.

Bất lực vì thấy mà không thể cứu

tối 8-5, trên đường đi học thêm, đến đoạn suối Bà Lúa, khu phố 1, phường Long Bình Tân thì hai em Kim và Quân gặp mưa to, nước ngập cầu nên không qua được. Hai em bèn quay lại để ra đường lớn nhưng do nước chảy xiết, các em té và bị nước cuốn xuống suối mất tích.

Chứng kiến cảnh hai em học sinh bị nước cuốn trôi, chị Tường Vy (ngụ khu phố 1, phường Long Bình Tân) bàng hoàng kể: “Khi bị nước cuốn đổ xe, hai cháu hoảng sợ kêu cứu. Mọi người liền chạy đến cứu nhưng hai cháu đã bị cuốn ra giữa dòng suối. Mọi người không kịp phản ứng gì vì nước chảy xiết, lại quá nhanh. Chúng tôi rất đau lòng và bất lực vì thấy mà không thể cứu được các cháu”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (người chứng kiến vụ tai nạn) cho biết: Khu vực cầu này mỗi khi mưa lớn là nước từ thượng lưu đổ về rất nhanh, tràn qua mặt cầu và chảy rất mạnh. “Một số người đã khuyên ngăn sẽ nguy hiểm khi nước tràn qua mặt cầu nhưng các cháu vẫn cố đi qua nên đã xảy ra sự việc thương tâm này” - ông Tuấn nói.

Đây không phải lần đầu tiên TP Biên Hòa xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do nước cuốn như trên. Điều đó cho thấy đây là những mối hiểm họa vô cùng nguy hiểm từ những cống, suối ở TP này.

Theo quan sát của PV, những khu vực xảy ra tai nạn nước cuốn trôi người chủ yếu là con đường dân sinh do người dân tự làm. Giáp suối lại không có hàng rào chắn kiên cố cũng như không có biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân khi qua lại khu vực.

Khi mưa lớn, dòng chảy hẹp, nước không kịp thoát nên tràn lên mặt đường gây ngập nặng. Tại những cây cầu bắc qua suối, nước chảy rất mạnh. nếu không may trượt ngã, nạn nhân có thể bị nước cuốn trôi rất nhanh, người dân phát hiện cũng không kịp ứng cứu.

Khu vực hai học sinh bị nước cuốn trôi tử vong. Ảnh: VŨ HỘI

Lực lượng chức năng vớt xe máy của hai học sinh bị nước cuốn trôi. Ảnh: VŨ HỘI

Cắm biển cảnh báo nguy hiểm

Trao đổi với PV, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết ngay đầu tháng 5, khi bắt đầu mùa mưa, lãnh đạo TP đã họp với các phường/xã về tình hình mưa ngập trên địa bàn. Theo đó, TP yêu cầu các phường trên phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân về mối nguy hiểm khi đi qua các cống, đường dân sinh trong mùa mưa.

Ông Dũng khẳng định: “Ban đầu chúng tôi phê bình và giao trách nhiệm khắc phục cho chủ tịch UBND các phường để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, đồng thời sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương”.

Chủ tịch UBND TP Biên Hòa thông tin thêm đã có văn bản gửi chủ tịch các phường/xã trên địa bàn, Phòng Quản lý đô thị rà soát cầu dân sinh, đường ven sông suối, những khu vực nguy hiểm. Theo đó, nhanh chóng làm lan can, huy động lực lượng có mặt tại những khu vực ngập để hướng dẫn người dân đi lại, đảm bảo tính mạng người dân và tài sản.

Còn lãnh đạo phường Long Bình Tân cho hay: Ngay sau khi xảy ra vụ việc khiến hai học sinh bị nước cuốn tử vong, địa phương đã cho làm lan can đoạn đường giáp suối để đảm bảo an toàn cho người dân. “Chúng tôi tiếp tục rà soát những đoạn đường có nguy cơ ngập sâu để có phương án lắp biển cảnh báo, lập rào chắn, cắt cử người cảnh báo ngay tại các khu vực này” - lãnh đạo phường Long Bình Tân nói.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, trên địa bàn có nhiều suối chảy ngang những cây cầu dân sinh, khi mưa lớn thường xảy ra ngập sâu. Vì vậy trước khi mùa mưa tới, địa phương đã dựng lan can, cắm biển báo nguy hiểm cho người dân ngang qua.

“Trên địa bàn từng xảy ra vụ tai nạn do nước mưa cuốn trôi người. Vì vậy khi trời mưa lớn, chúng tôi yêu cầu lực lượng dân quân, dân phố, công an và ủy ban có mặt túc trực tại những điểm có cầu nguy hiểm, đường ngập sâu, không cho người dân qua lại tránh để xảy ra những sự việc thương tâm” - ông Hùng nói thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, ngoài việc chủ động lên phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Đồng Nai cũng luôn quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tránh để xảy ra thiệt hại lớn do sự chủ quan.

“Khi có dự báo về thiên tai, các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đều tỏa xuống các địa phương trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ” - ông Chánh thông tin.

Đã có nhiều vụ bị nước cuốn thương tâm

Tối 30-9-2017, anh Nguyễn Tấn Phát (29 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) đi xe máy qua cầu dân sinh bắc qua suối Săn Máu, nối phường Hố Nai với phường Trảng Dài thuộc TP Biên Hòa. Lúc này do mưa lớn, nước suối dâng ngập qua cầu đã cuốn cả người và xe máy xuống suối khiến anh Phát tử vong.

Trước đó hai ngày, bé Nguyễn Tấn Trường (11 tuổi, ngụ ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) trên đường đi học về cũng bị nước cuốn trôi xuống cống rồi mất tích. Thi thể bé được tìm thấy cách khu vực bị nước cuốn tới gần 10 km.

Chiều tối 26-9-2017, sau trận mưa lớn, nước đổ về khu vực suối giữa hai phường Hố Nai và Trảng Dài rất lớn khiến cầu dân sinh Bắc Hải bắc qua suối này bị ngập. Lúc này, anh Vũ Văn Thuyên (18 tuổi, ngụ phường Tân Biên, TP Biên Hòa) đi xe máy ngang qua đã bị nước cuốn cả xe và người xuống suối. Mãi tới khoảng 22 giờ cùng ngày, thi thể anh Thuyên mới được tìm thấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm