Hàng không phục hồi nhanh nhờ khách bay nội địa

Theo các hãng hàng không Việt Nam, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên lượng khách trên các đường bay nội địa nhanh chóng phục hồi. Theo đó, các hãng nhanh chóng khôi phục tần suất khai thác trên 40 đường bay nội địa. Đồng thời, các hãng đã thực hiện một số chuyến bay quốc tế tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

40 đường bay nội địa phục hồi

Hãng hàng không Vietnam Airlines ghi nhận hồi giữa tháng 9 vừa qua, tổng lượng khách bay nội địa bình quân đạt gần 40.000 lượt khách/ngày, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Bình quân mỗi ngày hãng khai thác gần 200 chuyến bay.

Tương tự, hãng VietJet khai thác 160 chuyến bay/ngày trên 40 đường bay nội địa và một số chuyến bay quốc tế. Hai hãng hàng không Bamboo Airways và Pacific Airlines đã khôi phục mạng đường bay nội địa. Riêng Bamboo Airways mở thêm ba đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng và Nghệ An đi Côn Đảo, trong đó tần suất khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo khá nhộn nhịp.

Trao đổi với PV, các đại lý vé máy bay cũng cho biết lượng khách đặt vé trên nhiều đường bay nội địa tăng nhanh, dù đây là thấp điểm của mùa du lịch do học sinh vào năm học và nguồn thu nhập của người dân sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh.

Lý giải về việc lượng khách phục hồi nhanh, ông Phạm Đình Duy, điều hành đại lý vé máy bay tại TP.HCM, cho hay để kích cầu khách đi lại, các hãng giảm sâu giá vé trên nhiều đường bay nên khách tranh thủ thời gian này để đi lại. “Hiện hai sân bay lớn nhất cả nước chủ yếu phục vụ khách nội địa, thỉnh thoảng khách có phàn nàn tình trạng chậm chuyến từ Tân Sơn Nhất, tuy nhiên qua theo dõi, chủ yếu các chuyến bay bị ảnh hưởng do một số trận mưa lớn, thời tiết bất thường” - ông Duy nhận định.

Đại diện phòng vé máy bay Hồng Ngọc Hà tại TP.HCM thông tin hiện lượng khách đặt vé trên các đường bay nội địa đã nhộn nhịp hơn, trong đó lượng khách chủ yếu xuất phát từ sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cao nhất.

Hàng không nhanh chóng phục hồi trên nhiều đường bay nội địa. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Điều chỉnh giờ đóng cửa sân bay Nội Bài

Việc đi lại của hành khách tập trung nhiều nhất tại hai sân bay lớn nhất cả nước, trong khi hai đường băng ở hai sân bay này đang cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn có bị ảnh hưởng? Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), ông Vũ Thế Phiệt, đánh giá với mật độ các hãng hàng không khai thác như hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại tại hai cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Một đại diện của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thông tin thêm hiện lượng khách thông qua cảng phục hồi nhanh, lượng khách bay nội địa thông qua cảng tăng cao. Mặc dù sân bay Tân Sơn Nhất đang khai thác một đường băng, nhưng bình quân mỗi ngày vẫn khai thác khoảng 450 lượt chuyến. Dự báo dù trong thời gian thấp điểm du lịch nhưng lượng khách xuất phát từ Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục tăng.

“Hiện đường bay quốc tế tần suất khai thác đến Tân Sơn Nhất còn thấp nên công tác điều hành và năng lực phục vụ tại cảng còn lớn, không ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác của các hãng và việc đi lại của hành khách” - vị này cho biết.

Tuy nhiên, trong diễn biến có liên quan, đó là hãng Bamboo Airways tăng tần suất khai thác tại Cảng hàng không Nội Bài đi Côn Đảo nhiều chuyến trong ngày. trong khi năng lực khai thác của sân bay này tối đa 25 lượt chuyến/giờ, gây tình trạng chậm chuyến, trong đó tập trung đặc biệt giờ cao điểm khung 12-13 giờ hằng ngày.

Để tháo gỡ tình trạng chậm chuyến tại Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng HKQT Nội Bài điều chỉnh khung giờ đóng cửa tại Cảng HKQT Nội Bài. Theo đó, kể từ ngày 6-10, chính thức điều chỉnh khung giờ đóng cửa tại Cảng HKQT Nội Bài từ 0 giờ 30 đến 6 giờ 30 sang 0 giờ 30 đến 6 giờ (giờ địa phương).

Hơn 16.360 chuyến bay chậm chuyến

Số liệu tổng hợp khai thác các chuyến bay chín tháng năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam cho thấy các hãng đã khai thác hơn 159.800 chuyến bay, trong đó hơn 143.400 chuyến cất cánh đúng giờ, hơn 16.360 chuyến bị chậm và 1.700 chuyến bị hủy. Các lý do chậm chuyến, hủy chuyến được Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra do trang thiết bị và dịch vụ khai thác tại cảng; công tác điều hành, quản lý bay; do hãng hàng không; do thời tiết và các lý do khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm