Hà Nội thực hiện lộ trình 'xoá xổ' xe máy thế nào?

Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về việc nghiên cứu, xây dựng đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Đề án này nhằm cụ thể hoá lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 7-2017.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tính đến cuối năm 2017, TP có 6,2 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 5,6 triệu chiếc xe máy (chiếm trên 90%), tốc độ tăng trưởng bình quân 6,8% mỗi năm. Với tốc độ tăng xe máy “nóng” như trên, hạ tầng giao thông Hà Nội đã quá tải, tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng, phần lớn ùn tắc tại khu vực trung tâm.  Từ đó, Sở này cho rằng việc xây dựng đề án trên là cần thiết.

Tốc độ gia tăng "nóng" của các phương tiện giao thông cá nhân đang khiến hạ tầng giao thông của Hà Nội quá tải, thường xuyên ùn tắc.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất xây dựng phương án “cấm” xe máy theo 3 giai đoạn: 2019 -2025; 2026-2030 và sau năm 2030. Việc “cấm” xe máy phải tuân thủ các nguyên tắc chung là khu vực hạn chế xe máy phải nằm trên địa bàn các quận, có điều kiện thuận lợi cho tổ chức giao thông (như điểm đỗ xe, các tuyến trung chuyển), năng lực vận tải hành khách công cộng và các phương tiện phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, không “cấm” xe máy trên các tuyến đường độc đạo… 

Cụ thể, từ nay đến năm 2025 sẽ thí điểm “cấm” xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần (thứ 2 đến thứ 6) trên 2 tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố, gồm: đường Nguyễn Trãi (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến đường Láng) sẽ thí điểm “cấm xe máy vào năm 2019-2020; đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy sẽ cấm xe máy sau năm 2020 – khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ nghiên cứu hạn chế xe máy trên 4 trục đường lớn xuyên tâm khác gồm: đường Giải Phóng (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến phố Đại Cồ Việt); đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương); đường Lê Văn Lương (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến đường Láng); đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh.

Đồng thời, từ năm 2021- 2025, Hà Nội sẽ thực hiện “cấm” xe máy hoạt động vào các ngày cuối tuần tại các tuyến phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm (thuộc khu vực bảo tồn cấp I mở rộng).

Giai đoạn từ năm 2025 -2030, Hà Nội sẽ tiến hành hạn chế xe máy trong khu vực Vành đai 1 gồm 4 quận nội thành cũ Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Giai đoạn sau năm 2030, Hà Nội sẽ mở rộng hạn chế xe máy trong khu vực đường Vành đai 3 và mở rộng ra các khu vực khác.

Cùng với lộ trình “cấm” xe máy trên, Hà Nội cũng đề ra lộ trình phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng thay thế gồm xe bus, minibus, Bus nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng, một số phương tiện giao thông khác… Trong đó các loại hình vận tải công cộng sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đi lại của người dân.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết từ nay đến năm 2025 sẽ thực hiện lộ trình dừng đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành. Cụ thể từ nay đến năm 2020 sẽ dừng đăng ký xe máy tại 5 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ. Từ năm 2020 -2025 sẽ mở rộng việc dừng đăng ký xe máy mới ra các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh.

Song hành với việc dừng đăng ký xe máy mới, Hà Nội cũng sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ với mức giá tuỳ theo năm sử dụng đối với xe có tuổi đời dưới 10 năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm