Hà Nội sẽ vay 98,35 triệu USD vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông

Sáng nay 8-7, UBND TP Hà Nội đã trình HĐND TP Hà Nội xem xét báo cáo phương án vay lại vốn thuộc dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông để vận hành tuyến đường sắt đô thị này.

Theo phương án đề xuất, Hà Nội dự kiến vay khoảng 98,35 triệu USD, tương đương 2.306 tỉ đồng từ nguồn vốn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, bao gồm 3 gói vay 41,331 triệu USD; 9,925 triệu USD và 47,092 triệu USD.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND TP Hà Nội), việc Hà Nội thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án. Phương án vay lại này được HĐND TP Hà Nội quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của thành phố theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

“Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban KTNS thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND thành phố trình”, báo cáo này nêu.

Ảnh minh họa

Giải trình thêm về nội dung này, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, thời điểm nhận nợ là khi Bộ GTVT bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động để khai thác.

“Về nguồn kinh phí thanh toán cho các khoản nợ này, trong dự trù dự toán kinh phí năm 2019, TP đã chủ động dự toán và có cân đối kinh phí để bảo đảm trả nợ theo tiến độ yêu cầu hiệp định ký kết với các nhà tài trợ”, ông Quyền nói.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về phương án vay lại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì tổng vay nợ của Hà Nội để vận hành dự án này là 98,35 triệu USD, lãi suất 4%/năm tính trên số dư nợ vay lại. Các loại phí khác theo thỏa thuận vay nước ngoài, bao gồm phí cam kết, phí trả nợ trước hạn và các chi phí khác phát sinh trên toàn bộ số vốn vay ODA, vay ưu đãi được tiếp nhận.

“Trong trường hợp Hà Nội không trả đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan khác, bên vay lại phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi xuất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày”, báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu.

Về thời hạn cho vay được tính từ khi hợp đồng cho vay lại có hiệu lực đến ngày trả nợ gốc cuối cùng (21-7-2025) theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài. Riêng gói vay 47,092 triệu USD (một trong 3 gói vay lại), ngày trả nợ gốc cuối cùng là ngày 21-9-2032.

Nợ gốc và nợ lãi được trả theo các bán niên 6 tháng một lần. Ngày trả nợ gốc và lãi đầu tiên tùy theo ngày nào đến sớm hơn kể từ ngày Bộ GTVT và TP Hà Nội thống nhất chuyển giao khoản vay từ Bộ GTVT sang UB và sau khi phụ lục hợp đồng tính lãi vay, phân kỳ trả nợ gốc, lãi hàng năm được ký kết giữa Bộ Tài chính và TP. Đối với số nợ gốc và lãi đã được Bộ GTVT ứng ra trả trước thời điểm bàn giao dự án, TP Hà Nội có trách nhiệm hoàn trả cho Bộ GTVT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm