Giật mình cách quản lý vận tải của Bộ GTVT

Hội thảo “Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức đã trở thành nơi để các chuyên gia giật mình.

Chỉ lo cho quản lý nhà nước

“Tôi giật mình vì cách xây dựng chính sách của Việt Nam hiện nay không khác gì so với bốn năm trước, bởi yêu cầu chính vẫn là siết chặt chứ không phải quản lý khoa học. Tư duy quản lý này đã khá lỗi thời” - chuyên gia Phạm Chi Lan phát biểu.

Cụ thể theo bà Lan, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 nhằm mục đích “cởi trói” cho các loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô vẫn chủ yếu nêu lên sự bất cập, trở ngại đối với quản lý nhà nước. Dự thảo cũng “nhắc qua” doanh nghiệp (DN) nhưng lại không màng đến nhiều quyền và lợi ích của người dân, DN và tổ chức sử dụng dịch vụ giao thông.

“Chính sách mới chỉ nhìn  từ phía cung, phía quản lý chứ không nhìn từ phía cầu, hài hòa giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Cơ quan quản lý chưa hình dung được những thay đổi đã, đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới trong việc xây dựng chính sách trung và dài hạn. Dự thảo cũng chưa quan tâm tới việc mở rộng hàng hóa dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi mô hình, cạnh tranh công nghệ... đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thay đổi nhanh chóng” - bà Lan nói.

Ngay ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng dự thảo nghị định chưa thể hiện được tinh thần của Chính phủ là kiến tạo. “Dự thảo nói nhiều về cơ quan quản lý, có nhiều điều kiện kinh doanh không thể thực hiện, thể hiện sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Tóm lại, dự thảo chỉ quan tâm đến vấn đề quản lý nhà nước chứ không quan tâm đến người tiêu dùng, xem họ quan tâm và bị tác động như thế nào” - ông Thanh nhận định.

Cần phải có quy định khuyến khích ngành kinh tế vận tải phát triển bởi tiềm năng ngành này rất lớn. Ảnh: HTD

Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp

Cụ thể hơn, bà Lan nêu: Dự thảo yêu cầu tài xế phải mang theo danh sách hành khách khi vận chuyển trên đường. Trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo với Sở GTVT địa phương. “Tại Hà Nội, TP.HCM hằng ngày có hàng ngàn chuyến xe di chuyển qua. Nếu phải tiếp nhận thông tin thì cơ quan quản lý có xử lý và giải quyết được không hay chỉ sinh ra giấy phép con làm phiền họ?” - bà Lan đặt vấn đề.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, đánh giá dự thảo quy định tài xế phải được cấp giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa là không cần thiết. Lý do, tất cả hàng hóa lưu thông trên đường đều phải có một hoặc nhiều loại giấy tờ khác nhau để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vận chuyển. Đó là trách nhiệm giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển. Do vậy việc cấp giấy vận tải cho từng chuyến hàng là không phù hợp. 

“Quy định này làm tăng chi phí cho DN và không có ý nghĩa thực tiễn vì DN thường đối phó bằng việc ký khống nhiều giấy vận tải cho tài xế sử dụng. Quy định này trong thời gian qua chỉ khiến nhiều tài xế hay DN vận tải bị phạt chứ không có hiệu quả thực tế, do vậy tôi đề nghị bỏ quy định này” - ông Tiến nói. 

Còn Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng: “Khi thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải phục vụ để phát triển loại hình đó lên. Tuy nhiên, chúng ta lại đưa cái mới nhốt vào khung quản lý. Chúng ta không có khái niệm phải lấy cái mới để xây dựng chính sách xóa bỏ cái cũ, phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu”.

Cũng giật mình như bà Lan, ông Hiếu nói khi đọc tài liệu nước ngoài về giao thông thì xu thế hiện nay tất cả các nước đều đánh giá lại hệ thống pháp luật về giao thông. “Canada ban hành Luật Giao thông đường bộ từ năm 2005 nhưng dùng trong 30 năm, quản lý được cả xe không người lái. Trong 30 năm tới những sáng tạo phải được giải quyết” - ông Hiếu kể và kiến nghị sửa Luật Giao thông đường bộ theo hướng phải tư duy hiện đại, tách bạch mục tiêu đảm bảo trật tự giao thông với mục tiêu phát triển GTVT.

“Cần phải có quy định khuyến khích ngành kinh tế vận tải phát triển bởi tiềm năng ngành này rất lớn. Phải đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Không được hạn chế sự sáng tạo và cạnh tranh” - ông Hiếu nói.

Taxi tiếp tục kể khó

Tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, tiếp tục “than khó” cho taxi truyền thống khi bị bó buộc quá nhiều điều kiện kinh doanh. Ông cũng nói về các điều kiện kinh doanh không công bằng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Đơn cử, các DN phải khám sức khỏe thường kỳ cho tài xế, mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi các DN Uber, Grab thì không. Điều này khiến taxi truyền thống ngày càng teo tóp. Ví dụ, Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì 25.000 xe như năm năm trước.

Ông Hùng đề xuất tiếp tục cởi trói cho taxi truyền thống, có các quy định công bằng hơn giữa các loại hình vận tải. Ông đề xuất có một loại biển số màu vàng cho các xe kinh doanh trên đường phố, giống xe nhà nước có biển số màu xanh, xe quân đội có màu đỏ… Ông giải thích biển số màu vàng sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong kiểm soát xe kinh doanh, tạo sự công bằng thực sự cho mọi loại xe.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm