Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu: Cần đánh giá hiệu quả kinh tế

Tại buổi báo cáo, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu rất cần thiết cho vận chuyển hàng hóa trong khu vực. Tuy nhiên, để dự án khả thi, tư vấn và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu kĩ về hướng tuyến, vị trí các ga… vì liên quan chặt chẽ đến chi phí đầu tư…”.

Việc nghiên cứu tuyến đường sắt trên được các nước tài trợ. Ảnh: VIẾT LONG

Ngoài đánh giá hiệu quả kinh tế, Thứ trưởng nhấn mạnh hiệu quả xã hội, lưu ý vấn đề tác động môi trường… Lựa chọn hình thức đầu tư PPP nào cũng cần xem xét, đánh giá cụ thể. Đầu tư tuyến này rất cần thiết và khả thi, nhưng tư vấn cần nghiên cứu đưa ra giải pháp để giảm được chi phí đầu tư.

“Một trong các biện pháp là rà soát lại các công trình cần đầu tư từ vị trí, công năng… để có thể giảm chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng…”, Thứ trưởng Đông đề nghị.

Trước đó, ông Kim Hyun Jeong (Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc, trưởng dự án), cho biết dự án nhằm nghiên cứu khả thi và xây dựng mô hình đầu tư đối tác công - tư (PPP) cho tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời cập nhật mức đầu tư cho nghiên cứu khả thi tuyến Phước Tân - Vũng Tàu và quy hoạch tuyến mới Dĩ An - Phước Tân. Tuyến đường sẽ kết nối khu vực đất liền từ các cảng chính vận chuyển hàng hóa container Thị Vải và cảng Cái Mép tại TP. HCM; kết nối với tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh theo quy hoạch và ga Dĩ An (Bình Dương).

Theo nghiên cứu của Tư vấn, dự án đi qua địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoạn chính tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu dài 95,42 km gồm 12 ga, vận tốc thiết kế 160km/h, khổ đường ray là 1.435 mm. Quá trình thực hiện dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ Dĩ An - Tân Mai - Thị Vải dài 62,42 km; giai đoạn 2 từ Thị Vải - Vũng Tàu dài 33 km.

Về phương án đầu tư, ông Kim Hyun Jeong đề xuất theo mô hình PPP, trong đó tách riêng phần vốn ODA và phần khu vực đầu tư tư nhân. Với khu vực đầu tư tư nhân có thể tham gia dự án theo hình thức BOT có tăng trợ giá từ phía Chính phủ, hoặc BOT có bảo đảm thu nhập tối thiểu cho doanh nghiệp từ phía Chính phủ, hoặc BLT (xây dựng - chuyển giao - cho thuê). Tuy nhiên, nếu theo hình thức BLT sẽ thu hút được khu vực tư nhân nhiều hơn do rủi ro kinh doanh thấp nhất.

Được biết, đây là nghiên cứu thuộc dự án đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực GTVT sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc (DEEP) thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm