Đường nông thôn mới 3,5 km làm mãi chưa xong

Theo phản ánh của người dân xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), năm 2016 hàng chục hộ dân trong xã đã hiến đất để làm đường nông thôn mới nối hai xã Tân Thành Bình và Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam).

Theo thiết kế, đường dài gần 3,5 km, nền đường rộng 5 m, mặt đường rộng 3,5 m. Công trình do UBND huyện Mỏ Cày Bắc làm chủ đầu tư, tổng vốn trên 14,6 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng số 9 (địa chỉ TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Tháng 3-2016, nhà thầu khởi công xây dựng tuyến đường trên. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8-2017. Tuy nhiên, hơn một năm nay nhà thầu ngừng thi công khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nhân (người dân ngụ ấp Thành Hóa 2, xã Tân Thành Bình) cho biết khi chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất mở rộng đường để xã Tân Thành Bình lên nông thôn mới, nghe vậy người dân rất hứng khởi, ai cũng đồng ý hiến đất để mở rộng lộ. “Nhưng làm đường mà không đến nơi đến chốn, để cho người dân khổ thêm. Đường thì lô nhô đá to, đá nhỏ, người dân qua lại tuyến đường này đã có nhiều người bị té rất nguy hiểm. Tình trạng này đã hơn ba năm nay rồi, không biết khi nào con đường mới được láng nhựa để người dân đi lại dễ dàng” - ông Nhân nói.

Mặt đường nông thôn mới Tân Thành Bình - Định Thủy phủ đầy đá to,  lởm chởm gây khó khăn cho việc đi lại người dân. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo ghi nhận của PV, toàn tuyến đường lởm chởm đá to, gồ ghề, gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân đi lại.

Không chỉ vậy, từ ngày công trình được thi công thì một số người dân xã Tân Thành Bình bỗng dưng bị thành con nợ. Cụ thể, theo phản ánh của ông Bùi Văn Phương (người dân ở ấp Thành Hóa 2), khi công trình đang thi công thì từ tháng 9 đến tháng 11-2016, người của nhà thầu đến nhờ ông và bà Bùi Thị Bé Tư (con gái ông Phương) đứng ra bảo lãnh để nhà thầu mua vật liệu xây dựng (VLXD) làm đường và ông Nguyễn Văn Danh bảo lãnh bơm cát mặt bằng lộ.

Được biết tổng số tiền đơn vị thi công nợ mua VLXD và bơm cát hơn 1 tỉ đồng. Do đơn vị thi công không còn ở địa phương, chủ cơ sở VLXD buộc những người bảo lãnh phải gánh nợ thay. Bị chủ nợ đòi, ông Phương và bà Bé Tư phải vay ngân hàng trả nợ.

Ông Phương cho biết ông đã viết đơn gửi UBND huyện và Ban quản lý dự án (QLDA) huyện yêu cầu giải quyết nợ của công trình đối với gia đình ông. Đến tháng 1-2018, UBND huyện và Ban QLDA huyện mời ông đến thông báo nhà thầu sẽ trả nợ làm hai đợt. Đợt 1 trả 50% và ông đã nhận gần 600 triệu đồng. Đợt 2 hứa sẽ thanh toán vào tháng Giêng năm 2018 (âm lịch), tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được.

Trước đó, từ phản ánh của người dân, cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre vào cuộc và phát hiện nhà thầu để xảy ra hàng loạt sai phạm như chuyển nhượng thầu trái quy định, thi công sai thiết kế… Ngoài ra, đơn vị thi công có hành vi kê khai khống năng lực tài chính để tham gia dự thầu. Từ các sai phạm trên, nhà thầu đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 122,5 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả.

Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Em, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Mỏ Cày Bắc, cho biết Công ty số 9 nay không đủ năng lực để tiếp tục thi công. Hiện Ban QLDA đã có tờ trình UBND huyện đề xuất thanh lý hợp đồng với Công ty số 9, đồng thời đề xuất chọn nhà thầu phụ để tiếp tục thi công trong tháng 6 này. Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2015-2019. Đối với khoản nợ còn lại của người dân, ngành chức năng huyện sẽ hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa.

Trong hai ngày 10 và 11-6, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Vũ Văn Luyện, Phó Giám đốc Công ty số 9 (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), qua điện thoại cá nhân nhưng không nhận được trả lời. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm