Đường Nguyễn Văn Linh: Xe cộ ‘nhảy nhổm’!

Đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, trải dài từ quốc lộ 1, huyện Bình Chánh đến đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Đường khởi công xây dựng từ năm 1993, đến năm 2007 thì hoàn thành toàn tuyến. Tuy đưa vào sử dụng với thời gian không quá dài nhưng đến nay tuyến đường này đang xuống cấp trầm trọng và trở thành nỗi ám ảnh với những người dân và tài xế.

Hai giao lộ “kinh hoàng”

Theo ghi nhận của PV, trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh có hai điểm có nguy cơ ùn tắc lớn (nằm trong danh sách 37 điểm ùn tắc của TP) là giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 và Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Nét chung của hai giao lộ này là mật độ các loại xe đi qua luôn đông, dày đặc, trong khi mặt đường đã xuống cấp nặng, bị lún, đầy ổ gà, ổ voi từ bên trong giao lộ tỏa ra các hướng.

Hư hỏng nghiêm trọng nhất là ở giao lộ Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50. Tại giao lộ này dày đặc ổ gà và vũng nước. Ông Huỳnh Thơ, người dân ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, cho biết các ổ gà, ổ voi, vũng nước tồn tại ở giao lộ này từ mấy tháng nay rồi. “Tôi đã nhiều lần chứng kiến những người không quen đường đi qua vũng nước vấp ổ gà chìm phía dưới và bị té liền liền” - ông Thơ kể.

Còn Trung tá Nguyễn Thanh Hà, Phó trạm trưởng Trạm CSGT Đa Phước, cho biết quanh giao lộ này không có cống, nước mưa chỉ có cách thoát trên mặt ra xung quanh. Nước mưa thoát không hết, đọng lại thành vũng bao quanh và nằm giữa giao lộ. Nước đọng, mật độ xe qua lại đông và mưa liên tiếp nhiều ngày nên mặt đường càng bị phá nát, bầy nhầy thêm. “Trạm CSGT Đa Phước đã phản ánh tình trạng đường hư, nước ngập đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường Nguyễn Văn Linh nhưng công ty trả lời rằng còn mưa nên chưa sửa đường, làm cống được” - Trung tá Hà nói.

Giao lộ Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 hỏng nát từ ngoài mặt đường vào đến vỉa hè. Ảnh: LƯU ĐỨC

“Hố tử thần” gần cầu Sập, huyện Bình Chánh xuất hiện đã lâu, rất nguy hiểm cho xe chạy ban đêm. Ảnh: LƯU ĐỨC

Rình rập “hố tử thần”

Từ giao lộ với quốc lộ 50 đổ về hướng quốc lộ 1 và ở chiều ngược lại, cả ở trên hai làn đường hỗn hợp bên ngoài và các làn dành riêng cho ô tô ở bên trong của đường Nguyễn Văn Linh xuất hiện liên tiếp các vũng nước lớn và “hố tử thần”. Cụ thể, ở vị trí gần cầu Sập, trên các làn dành cho ô tô là một vệt vũng nước kéo dài cả trăm mét với những hố lõm sâu hoắm trên mặt đường. “Nhiều hôm mưa ngập, che phủ cái hố này nên nhiều ô tô đi qua là gãy nhíp, bể mâm, vỡ lốp bánh xe liền hà” - anh Nguyễn Dũng, thợ vá xe gần cầu Sập, cho biết.

Ở hai làn hỗn hợp bên ngoài cũng có rất nhiều đoạn nước đọng thành vũng kéo dài. Đến gần ngã ba rẽ vào chợ đầu mối Bình Điền là một “hố tử thần” sâu hoắm, rộng và dài cả mét. Hố này tồn tại đã lâu, gây nguy hiểm cho nhiều xe đi qua, người dân phải lấy bao cho cát vào để đậy lại và dựng cành cây cảnh báo. “Dọc đoạn từ giao lộ quốc lộ 50 ra quốc lộ 1 trên làn ô tô dày đặc hố, vũng nước nên nhiều ô tô đi sang làn hỗn hợp nhưng cũng không thoát khỏi vũng, hố. Có ô tô khi lách các hố, vũng này lấn sang phần đường của người đi xe máy gây nguy hiểm cao độ” - ông Tâm Anh, cán bộ Đội Thanh tra giao thông số 4, cho biết.

Đường Nguyễn Văn Linh có điểm đầu giao với quốc lộ 1, huyện Bình Chánh, điểm cuối giao với đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Được khởi công từ năm 1993, đến năm 1997 đưa vào khai thác giai đoạn 1 và năm 2007 hoàn thành toàn tuyến cho 8-10 làn xe. Tổng vốn đầu tư 22.700 tỉ đồng từ Công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng (liên doanh giữa Tập đoàn Central Trading & Development, Đài Loan và Công ty MTV Phát triển đô thị Tân Thuận, Việt Nam).

Đường Nguyễn Văn Linh không chỉ là một phần của tuyến vành đai 2 (dài hơn 64 km) bao quanh TP.HCM mà còn là tuyến huyết mạch nối thông các cụm cảng biển của TP.HCM (Tân Thuận, Lotus, Cát Lái), các cụm khu chế xuất, khu công nghiệp… với các tỉnh miền Tây. 

Qua cầu… nhảy nhổm

PV ghi nhận trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh có hơn 10 cầu, cống lớn nhỏ. Sau khi đưa vào khai thác đã có thời gian bù lún nhiều lần nhưng ở nhiều cây cầu có độ vênh rất lớn giữa đường dẫn lên xuống và mặt cầu. Tại vị trí tiếp giáp giữa cầu và đường dẫn được vuốt dốc ngắn nên khi ô tô, xe máy đi qua thì người cứ nhảy nhổm lên hoặc chúi mũi về phía trước. “Chính vì thế, giới tài xế gọi tuyến đường Nguyễn Văn Linh là tuyến có nhiều cầu nhảy… nhổm nhất” - một tài xế nói.

Theo nhiều tài xế, các cầu nguy hiểm nhất trên tuyến đường này gồm cầu Bà Lớn, Mã Voi và Ông Lớn… Xe đi qua luôn bị dằn, xốc, dễ lạc tay lái, nhất là vào ban đêm. Với người đi xe máy, nhiều người bị loạng choạng vì đường có nhiều ụ nổi, mặt đường gồ ghề… “Chúng tôi đã đề nghị lắp bảng, biển, đèn cảnh báo và gờ giảm tốc từ xa nhưng Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng vẫn không làm để giảm thiểu nguy cơ tai nạn” - một cán bộ Đội Thanh tra giao thông số 4 cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm