Dư luận ủng hộ chỉ đạo quản lý xe công nghệ của Thủ tướng

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông sáu tháng đầu năm 2019 tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT báo cáo lại dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu hủy bỏ đề xuất bắt buộc ô tô dưới chín chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn trên nóc xe. Chỉ đạo của Thủ tướng đã nhận được nhiều sự đồng tình của các chuyên gia.

Ông BÙI DANH LIÊN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:

Buộc cái mới vào cái cũ thì còn gì là 4.0

Ông BÙI DANH LIÊN

Chỉ đạo của Thủ tướng về quản lý xe công nghệ khiến cá nhân tôi rất vui. Với chỉ đạo đó, Thủ tướng đã đi đầu trong việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nhà nước ở Việt Nam.

Theo tôi, việc bắt buộc ô tô kinh doanh phải đeo “mào” chỉ để nhận dạng rất buồn cười. Bởi giữa thời buổi ngồi ở nhà chúng ta hoàn toàn có thể biết được một máy bay trên thế giới đang di chuyển khu vực nào, chuẩn bị hạ cánh hay chưa… thì không ai lại vin vào “mào” để nhận dạng một chiếc ô tô có kinh doanh vận tải hay không. Cơ quan nhà nước cần quản lý phương tiện bằng công nghệ chứ không phải bằng mắt.

Nếu nói để cạnh tranh, chúng ta cứ thử hình dung trước khi xe công nghệ xuất hiện thì giữa các hãng taxi với nhau đã có sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh chưa. Theo tôi, việc đeo “mào” cho xe công nghệ không thể giải quyết được bài toán cạnh tranh. Việc đeo “mào” hay không là rất nhỏ, Bộ GTVT phải nhìn rộng hơn những gì loại hình mới đang mang lại để có sự điều chỉnh trong quản lý kịp thời. Với phát biểu của Thủ tướng, tôi cho rằng đã đến lúc cần kết thúc những tranh luận suốt mấy năm trời nhưng vẫn không đâu vào đâu.

Về nghĩa vụ thuế, tôi khẳng định những người nói các công ty công nghệ trốn thuế là chưa nắm hết vấn đề. Trên thực tế họ rất minh bạch về thuế. Tài xế di chuyển 1 m cũng được phần mềm lưu lại trên máy chủ. Do vậy các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể truy cập vào dữ liệu máy chủ của công ty công nghệ để kiểm tra. Đặc biệt, vừa qua Bộ Tài chính cũng có kết luận về việc đóng thuế của một số công ty công nghệ và khẳng định họ đóng thuế đầy đủ.

Cuối cùng tôi cho rằng càng nhiều hãng xe công nghệ vào cạnh tranh thì người dân càng có lợi. Sự cạnh tranh sẽ khiến cho các hãng chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng từ chính sách phục vụ đến giá cả. Khách hàng sẽ có sự lựa chọn phong phú, tránh được tình trạng độc chiếm thị trường. Nếu giờ chúng ta buộc cái mới vào cái cũ thì tất cả về con số 0, còn gì là 4.0 nữa.

Việc đeo “mào” sẽ gây bất tiện cho những người muốn tận dụng xe gia đình nhàn rỗi để kinh doanh. Ảnh: V.LONG

Ông NGÔ VĨNH BẠCH DƯƠNG, Trưởng Phòng luật kinh tế, Viện  Nhà nước và Pháp luật:

“Gỡ đá cho ông đeo nặng”

Ông NGÔ VĨNH BẠCH DƯƠNG

Tôi cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng hoàn toàn phù hợp thực tế. Bởi như tôi từng nói, khách hàng họ không có nhu cầu nhận diện xe công nghệ vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng như vị trí, biển số xe, hãng xe... Còn cơ quan quản lý nhà nước cần tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình để nắm được dữ liệu di chuyển tài xế. Xe nào vi phạm thì phạt nguội thật nặng, thậm chí phạt đến mức phải bỏ nghề thì tài xế nào dám vi phạm.

Để quản lý xe công nghệ, ta phải trả lời câu hỏi người ta nghĩ ra loại hình này để làm gì. Đó là họ sử dụng tài sản nhàn rỗi của người dân thích kinh doanh nhằm tăng thu nhập và tạo ra sự gia tăng cho xã hội. Do vậy việc đeo “mào” hoàn toàn không phù hợp, bất tiện cho những người muốn tận dụng xe gia đình nhàn rỗi để kinh doanh.

Riêng taxi truyền thống, phải xác định đây là phương tiện công cộng. Để giúp họ cạnh tranh bình đẳng, cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ bớt những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Cách tiếp cận cái mới của cơ quan quản lý nhà nước phải là “gỡ đá cho những ông đang đeo nặng”, cụ thể là gỡ vướng cho các doanh nghiệp taxi.

Anh NGUYỄN SƠN, Hà Đông, Hà Nội:

Đặt lợi ích người dân lên trên hết

Anh NGUYỄN SƠN

Tôi rất mừng trước chỉ đạo của Thủ tướng. Vì việc đeo “mào” không chỉ gây khó cho loại hình xe công nghệ mà còn ảnh hưởng lớn đến nhu cầu, quyền lợi của khách hàng.

Một điều phải thừa nhận là xe công nghệ từ khi xuất hiện đã giúp cho người dân di chuyển thuận lợi, cước phí rẻ, nhanh… Đặc biệt, giá cước rất minh bạch và buộc các doanh nghiệp taxi phải thay đổi cung cách phục vụ, có những chính sách ưu đãi hơn đối với người dùng.

Tất nhiên quản lý loại hình xe công nghệ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước nhưng làm gì thì cũng phải đặt lợi ích người dân, xã hội lên trên hết. Đừng vì không quản được mà gò cái mới vào cái cũ rồi bắt dân phải chịu đựng những dịch vụ kém chất lượng, lộn xộn, thiếu minh bạch…

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế - tài chính:

Thủ tướng đã thực hiện cam kết

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG

Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới bàn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng. Theo đó, sự ra đời của cuộc cách mạng này là cơ hội to lớn cho Việt Nam, sẽ đem lại các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả hơn mô hình kinh doanh truyền thống.

Bao giờ cái mới khi ra đời cũng sẽ có mâu thuẫn, đối nghịch với cái cũ. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta tạo ra rào cản để cuối cùng gây ảnh hưởng cho sự phát triển của ngành kinh doanh mới, đặc biệt ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng, lợi ích kinh tế - xã hội. Vì thế quan điểm Thủ tướng đưa ra là hoàn toàn phù hợp với xu thế tiến bộ.

Từ những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng, theo tôi, Bộ GTVT cần xem xét tháo gỡ những rào cản cho cả hai bên để cùng nhau phát triển, đặc biệt là taxi truyền thống. Không nên áp đặt cái mới vào cái cũ vì đó là quan điểm rất sai lầm. Trước tiên chúng ta cần quay trở lại câu chuyện định danh cho loại hình này, bởi định danh đúng mới đưa ra mô hình quản lý phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm