Đề xuất quản xe công nghệ như taxi truyền thống

“Bộ GTVT luôn ủng hộ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, khuyến khích các đơn vị cung cấp phần mềm, doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân”. Đó là khẳng định của Bộ GTVT trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây về tạo khung pháp lý đối với việc ứng dụng KHCN trong hoạt động vận tải.

Dẫn chứng lập luận trên, Bộ GTVT cho biết từ năm 2009, đơn vị đã áp dụng quy định lắp thiết bị giám sát hành trình ô tô để quản lý hoạt động, điều hành hoạt động taxi thông qua bộ đàm, cải cách thủ tục hành chính, bán vé online...

Đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây, Bộ GTVT tham mưu trình Thủ tướng cho phép thực hiện đề án thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn năm địa phương gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM.

Quá trình triển khai, Bộ GTVT thấy một vấn đề mới phát sinh và liên quan đến quy định của nhiều văn bản luật như dân sự, thuế, thương mại, giao thông đường bộ, giao dịch điện tử... “Bên cạnh đó, đây là vấn đề không chỉ khó với Việt Nam mà là vấn đề khó với cả các nước trên thế giới cũng gặp phải như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Do đó cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và địa phương. Trong việc xây dựng, bổ sung quy định mới thì cần có một quá trình nghiên cứu và hoàn thiện…” - Bộ GTVT nhận định.

Bộ GTVT đề xuất bỏ quy hoạch số lượng xe taxi theo địa phương mà để thị trường tự quyết định. Ảnh: HTD

Đối với việc tạo khung pháp lý cho việc ứng dụng KHCN cho hoạt động vận tải, Bộ GTVT cho biết đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tại dự thảo lần thứ bảy nghị định thay thế Nghị định 86 vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT cho biết có hai luồng quan điểm khác nhau về việc quản lý ô tô dưới chín chỗ bằng hợp đồng điện tử là xe hợp đồng hay taxi. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống (có hộp đèn, phù hiệu…). Nguyên nhân, quá trình thí điểm cho thấy phương thức hoạt động của xe hợp đồng điện tử dưới chín chỗ tương đối giống với taxi truyền thống như phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe...

Trong báo cáo của mình, Bộ GTVT cũng thừa nhận việc quy định xe công nghệ là taxi truyền thống có hạn chế nhất định. Tuy nhiên, Bộ lại cho rằng quy định trên không triệt tiêu ứng dụng KHCN trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân…

Việc lựa chọn phương án trên theo Bộ GTVT là hướng đến công bằng, bình đẳng hơn trong điều kiện kinh doanh vận tải và giải quyết vấn đề các hiệp hội taxi kiến nghị suốt thời gian qua.

Nới lỏng quản taxi truyền thống

Ngoài đề xuất phương án quản lý taxi công nghệ, Bộ GTVT muốn nới lỏng nhiều quy định cho taxi truyền thống. Theo đó, doanh nghiệp taxi sẽ không cần đăng ký màu sơn với cơ quan chức năng, không quy định về đồng phục tài xế, về quy mô kinh doanh vận tải, bỏ quy hoạch số lượng xe theo địa phương mà để thị trường tự quyết định, không bắt buộc các doanh nghiệp phải có trung tâm điều hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm