Đề xuất khôi phục đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

Theo Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South), tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được đề xuất khôi phục có điểm đầu là ga Tháp Chàm, điểm cuối là ga Đà Lạt, dài khoảng 84 km, đi qua địa bàn TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Về kỹ thuật, đây sẽ là đường đơn khổ 1.000 mm; tốc độ thiết kế trên đoạn đường bằng là 60 km/giờ, đoạn núi khi qua đường sắt răng cưa là 30 km/giờ. Tuyến được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, có điều chỉnh để giảm độ dốc, với khoảng 15-17 ga, qua năm hầm xuyên núi. Vốn đầu tư dự kiến khoảng 17.000 tỉ đồng.

Trước đề xuất này, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết ủng hộ doanh nghiệp đề xuất dự án để bảo tồn kiến trúc và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc đầu tư dự án không chỉ có ý nghĩa với các địa phương tuyến đi qua mà còn giúp phát triển kinh tế du lịch của nhiều tỉnh lân cận, trong đó Lâm Đồng với thế mạnh về du lịch cảnh quan núi, Ninh Thuận với du lịch biển.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Hợp tác quốc tế Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết việc khôi phục tuyến đường sắt này sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển vận tải đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên và cảng biển, cũng như lưu thông hành khách, hàng hóa giữa hai tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp thi công từ năm 1908, đến năm 1916 những chuyến tàu đầu tiên bắt đầu hoạt động trên đoạn tuyến Tháp Chàm - Xóm Gòn. Đoạn tuyến tiếp theo đến Đà Lạt đến năm 1932 mới hoàn thành. Đoạn tuyến này có tổng cộng 16 km đường sắt răng cưa leo núi ở ba đoạn. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai ray chính đường khổ 1.000 mm. Đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng bám vào đường ray răng cưa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm