Đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước năm 2030

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về việc cử tri kiến nghị đầu tư xây dựng cầu Tân Châu – Hồng Ngự (Đồng Tháp) để kết nối với tỉnh An Giang và các địa phương khu vực Tây Nam Bộ. Cạnh đó, đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Bộ GTVT, hiện nay tỉnh Đồng Tháp và An Giang đang triển khai đầu tư xây dựng hai bến phà mới thay thế bến phà cũ trên tuyến N1 qua sông Tiền từ huyện Tân Châu sang huyện Hồng Ngự. Sau khi hoàn thành bến phà sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt.

Caotoc_RSWE.jpg

Hiện nay khu vực miền Nam cần nhiều tuyến cao tốc để phát triển. Ảnh minh họa: VIẾT LONG

Việc xây dựng cầu bắc qua sông Tiền nối hai huyện Tân Châu và Hồng Ngự để thay thế phà là cần thiết. Tuy nhiên, đây là công trình có quy mô, kinh phí đầu tư xây dựng rất lớn, trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, lưu lượng vận tải trên tuyến chưa cao, nên trước mắt vẫn duy trì khai thác bằng phà để ưu tiên nguồn lực cho tuyến có nhu cầu vận tải lớn.

“Khi điều kiện nguồn lực cho phép, nhu cầu vận tải tăng cao, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu nối hai huyện Tân Châu và Hồng Ngự, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định…”- Bộ GTVT cho hay.

Về tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, theo quy hoạch đường bộ cao tốc được Thủ tướng phê duyệt, dự án này được đầu tư sau năm 2030. Tuy nhiên, nhận thấy sự cần thiết của tuyến cao tốc, hiện Bộ GTVT đang trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc, kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030.

“Hiện nay Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực, trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện…”- Bộ GTVT cho hay.

Liên quan đến tuyến cao tốc này, ngày 3-8, đại diện Bộ GTVT cho hay, hiện khu vực Tứ Giác Long Xuyên tập trung sản xuất lúa, gạo và thủy sản lớn nhất của cả nước, tuy nhiên chưa có tuyến cao tốc trục ngang kết nối.

Cạnh đó, xét về nhu cầu vận tải, tại thời điểm này lưu lượng xe trên trục quốc lộ 91 kết nối về khu vực khoảng 11.500 xe con quy đổi trên ngày/đêm, dự kiến đến năm 2030 khoảng 25.355 xe con quy đổi trên ngày/đêm. Trong khi đó, quốc lộ 91 với quy mô đường cấp III hai làn xe dự kiến sẽ quá tải vào năm 2025. “Vì vậy việc đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trước năm 2030 là phù hợp”- đại diện Bộ GTVT cho hay.

Đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku bằng nguồn vốn tư nhân

Liên quan đến kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai về đề nghị xem xét, bổ sung vốn trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để xây dựng tuyến đường cao tốc song song với Quốc lộ 19, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch tuyến đường cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) dài khoảng 160 km, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe sẽ được nghiên cứu đầu tư trước năm 2030.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vận tải, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư xây dựng dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên – Quốc lộ 19 (kết nối Bình Định - Gia Lai), bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới. Tổng mức đầu tư dự án trên 3.600 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào quý IV năm 2020 và hoàn thành trong năm 2023.

Dự án quốc lộ 19 sau khi được đầu tư hoàn thành, cùng với quốc lộ 24, 25 đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng sẽ góp phần tăng cường khả năng lưu thông và kết nối thuận tiện giữa vùng duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên.

Theo Bộ GTVT trong điều kiện hiện nay, việc bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku giai đoạn 2021-2025 là rất khó khăn và chưa phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. “Bộ GTVT ghi nhận và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn và kêu gọi các nhà đầu tư để triển khai đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP)…”- Bộ GTVT cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm