Dân khốn khổ vì đường phục vụ thi công cao tốc bị băm nát

Theo báo cáo của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), năm 2014, Ban quản lý (BQL) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) ký cam kết với huyện Bình Sơn và xã Bình Trung mượn tạm đường dân sinh để thi công gói thầu A3 (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).

Dự kiến tháng 10-2017, các tuyến đường đã mượn sẽ được hoàn trả. Tuy nhiên, đến nay các tuyến đường này đã xuống cấp trầm trọng và vẫn chưa được hoàn trả, gây bức xúc cho người dân.

Đường lầy lội, đầy ổ voi

Theo ghi nhận của PV ngày 18-11, đường ĐH 01 đi từ thị trấn Châu Ổ qua hai thôn Phú Lễ 1, Phú Lễ 2 (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) lổm chổm ổ gà, ổ voi. Trên mặt đường nước đọng thành vũng, mỗi khi xe cộ qua lại nước văng tung tóe. Tại nhiều vị trí người dân phải chen chúc, len lỏi trên những điểm không đọng nước.

Theo người dân, con đường này trước đây là đường đá dăm láng nhựa. Sau khi nhà thầu Giang Tô mượn đường để phục vụ thi công cao tốc, con đường bị băm nát, phần mặt đường nhựa bong tróc chỉ còn lại đá dăm. Người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng con đường vẫn vậy.

Ông Nguyễn Văn Th. (thôn Phú Lễ 2) cho biết những năm trước con đường đi ngang qua hai thôn này không có tình trạng hư hỏng. Khoảng bốn năm gần đây, nhà thầu mượn đường thi công cao tốc, xe có tải trọng nặng qua lại thường xuyên khiến mặt đường nhựa bị bong tróc, hư hỏng. “Mỗi khi mưa, nước đọng trên mặt đường khiến người dân qua lại thường xuyên té, tai nạn. Học sinh, trẻ nhỏ mỗi lần đi học về quần áo lấm lem như đi cày. Chúng tôi yêu cầu làm sao giải quyết cho bà con ăn tết, chứ như thế này không ai chịu nổi” - ông Th. bức xúc.

Ông Tạ Phi Anh (thôn Phú Lễ 1) có nhà sát mặt đường cho biết sau khi thi công xong cao tốc, nhà thầu cho xe chở đá dăm đổ lại trên đường, san ủi, sửa chữa qua loa. Thời gian sau, xe cộ qua lại, lớp đất đá mới tiếp tục bong tróc thì đâu lại vào đấy. “Trời mưa thì bùn lầy tạt vào trong nhà, nắng thì bụi bay khắp xóm, tôi làm việc trước nhà luôn phải bịt khẩu trang” - ông Anh nói.

Sau khi thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường bị băm nát nhưng vẫn chưa được sửa chữa. Ảnh: THANH NHẬT

Chưa xác định được đơn vị mượn?

Ông Võ Tấn Huân, Bí thư xã Bình Trung, cho biết xã cho mượn hai tuyến đường ĐH 01 và ĐH 02 để thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau khi thi công xong, tuyến đường ĐH 01 bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng các bên không sửa chữa đường hoàn trả. “Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh về tình trạng đường bị hư hỏng. Địa phương cũng đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên nhưng vẫn không được khắc phục khiến người dân vô cùng bức xúc” - ông Huân nói.

Còn theo ông Đoàn Hà Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, trong quá trình thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đơn vị thi công mượn của huyện bốn tuyến đường. Sau khi thi công xong, những tuyến đường này bị hư hỏng nghiêm trọng. Huyện đã nhiều lần kiến nghị nhưng việc sửa chữa vẫn chưa được thực hiện, đơn vị thi công chưa thực hiện trách nhiệm hoàn trả như cam kết. Đường của địa phương tải trọng H13 (13 tấn) mà họ cho xe vận tải các thiết bị vượt tải, mật độ dày đặc dẫn tới đường bị hư hỏng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc BQL cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nói việc các tuyến đường hư hỏng nhưng không sửa chữa là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông Hưng lại cho rằng phía địa phương chưa đưa ra được bằng chứng là chủ đầu tư có làm cam kết mượn đường của địa phương. Nếu chủ đầu tư đứng ra mượn thì chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả, còn khi nhà thầu muốn thuận tiện vận chuyển mượn thêm đường thì trách nhiệm là của nhà thầu.

Theo ông Hưng, dù trách nhiệm của nhà thầu hay chủ đầu tư thì BQL cao tốc cũng có trách nhiệm yêu cầu nhà thầu hoặc Nhà nước bố trí tiền để sửa chữa. Nếu trách nhiệm của chủ đầu tư thì phải lấy tiền nhà nước và phải có giấy tờ liên quan căn cứ theo hợp đồng. Còn trách nhiệm của nhà thầu thì BQL sẽ yêu cầu nhà thầu hoàn trả cho địa phương. “Trong hợp đồng, chủ đầu tư chỉ cấp một số đường, nhà thầu muốn tiện lợi thì đứng ra mượn đường của địa phương và có trách nhiệm hoàn trả chứ Nhà nước không thể bỏ tiền ra hoàn trả cho nhà thầu” - ông Hưng nói.

Phải hoàn trả đường địa phương trước mùa mưa lũ

Tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc chỉ đạo giải quyết các tồn tại của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Theo đó, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đã được khai thác tạm hơn một năm qua. Bộ GTVT nhiều lần chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại, hoàn trả các tuyến đường của địa phương đã mượn phục vụ thi công dự án và giải quyết dứt điểm các tồn tại có liên quan đến dự án.

Tuy nhiên, đến nay việc hoàn trả các tuyến đường địa phương và giải quyết các tồn tại có liên quan của VEC và BQL dự án đối với đoạn qua huyện Bình Sơn là quá chậm, gây bức xúc đối với cử tri và nhân dân của các xã bị ảnh hưởng. “Việc hoàn trả các tuyến đường địa phương phải thực hiện trước mùa mưa lũ (trước ngày 30-11)…” - văn bản nêu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm