Dân bất an khi lưu thông qua nút giao An Phú

Nút giao An Phú là giao lộ có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn, thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Đây là điểm kết nối giữa đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Lương Định Của với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Vì vậy, việc sớm triển khai dự án mở rộng nút giao An Phú là hết sức cần thiết để giải quyết thực trạng này.

Nguy hiểm rình rập

Theo ghi nhận của PV, tại nút giao An Phú, vào khoảng 17 giờ 30 ngày 1-11, cho thấy nút giao này đang chịu sức ép khá lớn vào giờ cao điểm khi hàng ngàn phương tiện ở nhiều ngả đường từ trung tâm thành phố đổ về các quận ngoại thành. Bên cạnh đó, lượng lớn xe container đến cảng Cát Lái và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khiến tình trạng giao thông thêm bế tắc.

Anh Đức Tùng, người dân thường xuyên lưu thông qua nút giao An Phú cho biết: “Thực tế đường sá tại khu vực phía đông TP rất rộng, nhiều làn xe chạy rất thông thoáng so với nhiều tuyến đường ở trung tâm. Tuy nhiên, khi đến nút giao An Phú là kẹt cứng. Từ quận 1 về tới nhà tôi chỉ mất khoảng 45 phút nhưng vì kẹt ở nút giao An Phú phải mất 30 phút nữa”.

Còn hướng từ xa lộ Hà Nội, xe tải, xe khách lấn hết phần đường xe máy, buộc nhiều xe máy phải leo lên vỉa hè di chuyển. Thậm chí lượng phương tiện từ hầm Thủ Thiêm - Nguyễn Duy Trinh phải leo lên thảm cỏ chung cư gần đó để tránh kẹt xe.

Hằng ngày, một lượng xe container rất lớn từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lưu thông cắt ngang qua nút giao An Phú để di chuyển qua đường Mai Chí Thọ - cảng Cát Lái, hướng ngược lại là lượng xe container đổ từ xa lộ Hà Nội di chuyển đến cao tốc. Chưa kể đường Lương Định Của đang thi công cộng thêm lượng xe đông đúc qua lại nên chỉ cần đoạn đường này ách tắc thì ngay lập tức dẫn đến kẹt xe cả khu vực.

Ngoài ra, nguy hiểm luôn rình rập đối với người điều khiển xe máy khi luồn lách giữa dòng xe container, xe tải rẽ trái qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Em Phạm Thị Thanh Hằng (ngụ đường Nguyễn Duy Trinh) chia sẻ: “Mỗi lần qua đây em sợ lắm, có lần vào giờ cao điểm kẹt xe, em lọt thỏm vào dòng xe container đi không được, lùi cũng không xong. Qua lần đó em hú vía, không đi qua khúc đó nữa mà chạy thẳng qua đường Lương Định Của rồi quẹo lại”.

Anh Lê Văn Tám, tài xế xe tải thường xuyên qua khu vực này lắc đầu khi trò chuyện với PV: “Khu vực này lúc nào cũng hỗn loạn, bát nháo như vậy đó. Khung cảnh hỗn loạn giao thông không còn quá xa lạ với người lưu thông qua đây, mạnh ai người nấy chạy thì kẹt càng thêm kẹt”.

Người đi xe máy lọt thỏm giữa dòng xe ô tô các loại. Ảnh: T.TRINH

Sớm đầu tư nút giao An Phú

Để đảm bảo giao thông khu vực này, Sở GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể, sở đã mở rộng phía đường dẫn cao tốc từ đường Mai Chí Thọ tới cầu Bà Dạt mỗi bên một làn đường rộng 3,5 m. Đồng thời sở này mở đường nhánh từ đường Mai Chí Thọ lên đường dẫn cao tốc rộng 3,5 m, dài 70 m; từ hướng Mai Chí Thọ đi đường Nguyễn Thị Định mở thêm một làn rộng 3,5 m, dài 30 m; mở hai làn đường cho phép xe lưu thông hai chiều từ đường Nguyễn Thị Định ôm công viên ngã ba An Phú vào đường Mai Chí Thọ.

Mới đây, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cũng cho phép xây dựng nhánh đường rẽ phải từ đường vành đai 2. Nhánh rẽ này kết nối vào đường song hành để cho các phương tiện xe máy và ô tô từ 16 chỗ trở xuống lưu thông hướng về đường Đỗ Xuân Hợp.

Việc xây dựng nhánh đường rẽ này nhằm chia sẻ lưu lượng xe trong thời điểm bị ùn ứ. Các xe ở khu vực trên đường Đỗ Xuân Hợp có thể xuống tại vị trí này, tránh phải rẽ xuống đường Võ Chí Công. Qua đó giúp người dân giảm bớt hành trình di chuyển và tránh tuyến đường có rất nhiều xe tải nặng lưu thông.

Tuy nhiên, trên thực tế nút giao An Phú vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, vấn đề đặt ra là sớm đầu tư dự án nút giao An Phú.

Nói về dự án này, Sở GTVT cho biết: Hiện nay UBND TP.HCM đã giao các đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng nút giao An Phú bằng nguồn vốn ngân sách. Trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư năm 2019-2020, thực hiện đầu tư giai đoạn sau năm 2020.

Cụ thể, nút giao này được xây dựng đường hầm chui hai chiều với bốn làn xe, kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn. Còn cầu vượt đi hai chiều sẽ bắc qua đường Mai Chí Thọ để kết nối Lương Định Của với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trước đó UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) xem xét khả năng đầu tư dự án nút giao An Phú. Dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) vay từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, hiệp định vay vốn của dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021 nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư nút giao An Phú là không khả thi. Do đó, UBND TP đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TP.HCM triển khai đầu tư. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm